Việc đánh thuế lũy tiến, đồng nghĩa với việc dự án bất động sản càng chậm triển khai thì mức thuế càng cao, được kỳ vọng sẽ tạo sức ép để các chủ đầu tư thực hiện dự án, và nếu được áp dụng giải pháp này sẽ thay quyết định hành chính trong viêc thu hồi dự án.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, việc áp mức thuế này cần phải căn nhắc đến yếu tố thị trường bất động sản, vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án không triển khai xây dựng.

Đất bỏ hoang là lãng phí, nhưng nếu xây lên rồi không bán được còn lãng phí hơn. TBKTSG Online có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, về vấn đề này.

TBKTSG Online: Ông nghĩ gì về ý tưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng sẽ cân nhắc việc áp dụng thuế lũy tiến đối với các dự án bất động sản?

- Ông Nguyễn Văn Đực: Không biết sau này sẽ ra sao, chứ hiện nay doanh nghiệp bất động sản chẳng biết sẽ phải làm gì nữa. Giống như chiếc xe, người muốn tiến, người lại muốn lùi. Một mặt, Bộ Xây dựng khuyến cáo những dự án nào không khả thi thì đứng yên tại chỗ, bởi thời điểm này mà sản xuất hàng hóa đẩy ra thị trường cũng chết vì nghẽn mạch. Một mặt, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại muốn doanh nghiệp khởi công, nếu không sẽ bị đánh thuế vì lãng phí đất đai. Mỗi bộ đều đứng trên góc độ của mình để nói, để thể hiện quyền lực của mình.

Nhiều người cho rằng đó là giải pháp hợp lý thay cho biện pháp hành chính đối với các dự án chây ì xây dựng, găm giữ đất?

- Thật tình mà nói ít có doanh nghiệp nào muốn găm giữ đất, không muốn dự án mình sớm triển khai, bởi họ phải đi vay tiền để làm. Doanh nghiệp nào cũng muốn làm cho nhanh, chuyển sang hàng hóa để bán thu hồi vốn, nhất là trong thời buổi hiện nay. Thử hỏi với lãi vay hơn 20% thời gian vừa qua doanh nghiệp nào muốn găm giữ đất để chờ thời, hay là đang muốn bỏ của chạy lấy người, bán rẻ bán tháo để lấy tiền mặt.

Nếu "ép" như vậy sẽ xảy ra hai tình huống. Một là doanh nghiệp không thể làm gì trên khu đất để hoang do thị trường không thuận lợi, họ sẽ lì ra, móc tiền đóng thuế phạt. Hai là phải bán tháo cho ngân hàng hay nhà đầu tư nước ngoài. Kiểu gì cũng bất lợi cho những doanh nghiệp đã lỡ đầu tư vào dự án đó. Chẳng ai muốn bỏ ra 40-50 tỉ đồng chuẩn bị quỹ đất rồi căng sức chịu lãi mỗi ngày, nhưng nếu làm ra thành phẩm lại không bán được.

Nhưng đã đầu tư thì doanh nghiệp phải cân nhắc chứ không thể đổ lỗi cho thị trường, thưa ông?

- Người quản lý đất đai thấy dự án bỏ hoang nên nóng ruột, nhưng cũng phải nhìn thị trường bất động sản và hoàn cảnh của doanh nghiệp. Không phải không có trường hợp doanh nghiệp có mối quan hệ tốt, xin dự án lớn rồi vừa làm vừa chờ thời, nhưng cũng đang có nhiều dự án xây nhà xong rồi bỏ hoang. Nều làm dự án xong rồi lại bỏ hoang nữa thì sự lãng phí còn lớn hơn.

Một lý do không thể không nhắc đến là thủ tục hành chính. Thủ tục pháp lý quá nhiêu khê cũng khiến nhiều dự án có muốn làm nhanh cũng không được. Điều quan trong không kém là thị trường. Thực tế cũng có dự án đã có giấy phép đủ hết rồi mà vẫn không dám khởi công, hiện đang rao bán nhưng cũng chưa có người mua.

Vậy theo ông bao giờ thì có thể thực hiện, bởi dù sao giải pháp này vẫn minh bạch hơn?

- Với một thị trường còn chìm đắm trong khó khăn như hiện nay, ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong 3-4 năm tới. Thị trường sẽ khá hơn hay doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, bởi hiện tại đời sống của nhiều doanh nghiệp đang tính theo tháng.

Theo tôi, phải tùy trường hợp mà trị bệnh, chứ không phải cứ dùng một phương pháp duy nhất. Một người đang nằm liệt giường phải cho uống thuốc để hồi phục, sau đó mới có thể nói họ chạy nhảy được. Do vậy, nếu có thêm thủ tục gì, loại thuế nào cũng phải chờ thị trường hồi phục đã.

Đình Dũng (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.