Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu không có gì thay đổi thì một vài ngày nữa sẽ triển khai các thủ tục để thông qua nghị định thành lập công ty xử lý xấu.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong phiên họp thường kỳ tháng trước, Chính phủ đã thảo luận đề án này, nhưng qua ý kiến một số thành viên Chính phủ có một số vấn đề cần phải tiếp tục làm sâu hơn.

Sắp thông qua nghị định thành lập công ty xử lý nợ xấu
Sắp thông qua nghị định thành lập công tư xử lý nợ xấu. Ảnh: internet

Thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã bàn với các bộ, ngành để trình lên bản sửa đổi và nếu không có gì thay đổi thì một vài ngày nữa sẽ triển khai các thủ tục để thông qua nghị định thành lập công ty này.

“Nhưng như tôi đã nói, xử lý nợ xấu cần nhiều giải pháp, mà công ty này chỉ là một giải pháp… “, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, trước đó, các bộ, ngành, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tự xử lý nợ xấu qua trích lập dự phòng rủi ro.

Thứ hai, việc xử lý nợ xấu không có một mô hình nào trên thế giới mà chúng ta có thể học tập một cách toàn vẹn, khó nói mô hình nào thành công, mô hình nào không thành công, đây là một việc rất mới, cơ chế đề xuất tương đối đặc thù, do đó tinh thần của Chính phủ là một khi đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản thì sẽ cho công ty này ra đời bằng một Nghị định.

“Tinh thần của Chính phủ là trong quá trình làm sẽ hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp, để tiếp tục có điều chỉnh nếu cần thiết với mục tiêu đây là thiết chế góp phần giải quyết nhanh hơn nợ xấu, không chỉ giải quyết trong khối ngân hàng mà còn tác động lan tỏa tích cực đến các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Liên quan đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, với vai trò là cơ quan điều hành, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và trình lên những giải pháp lớn đó và triển khai sau khi được phê duyệt...

“Điều Chính phủ nhận thấy là cần phải thực hiện quyết liệt hơn, đã có nhiều giải pháp nhưng việc triển khai cụ thể thì đây đó còn chậm”, ông Đam nói.

Châu Anh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.