Sáp nhập ngân hàng không đơn thuần là những cuộc “kết hôn” một – một, mà những thương vụ sáp nhập thời gian gần đây đã xuất hiện nhân tố mới.

Dù vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng ở Việt Nam phải cần có “tiền tươi, thóc thật”.

“Kịch bản” sáp nhập mới

Không quá sôi động như cách đây 2 năm, song các thương vụ mua bán – sáp nhập trong hệ thống ngân hàng thời gian qua lại đang đi vào thực chất hơn và đang xuất hiện nhiều “kịch bản” hoàn toàn mới so với cách tái cơ cấu “truyền thống”.

Điểm mới thứ nhất là “đại gia” ngân hàng ra tay “cứu vớt” ngân hàng yếu. Sự việc một trong số ngân hàng lớn nhất cả nước – Vietcombank ra tay “cứu” Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vào phút chót khi nhà băng này dính với một loạt bê bối liên quan tới lãnh đạo cấp cao bị bắt, đã thực sự gây sự chú ý của dư luận.

Bỏ qua chuyện thời điểm, thì theo các chuyên gia việc giải cứu của Vietcombank không đơn thuần chỉ là một “nghĩa cử cao đẹp” của một “ông lớn” ngân hàng với một ngân hàng yếu hơn về mọi mặt, mà thương vụ này sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ tạo nên xu thế mới trong tái cấu trúc ngân hàng Việt.

Không theo mô típ truyền thống, mua bán - sáp nhập ngân hàng, ngày càng xuất hiện mô hình, kịch bản mới

Thực tế, việc một ngân hàng lớn muốn “ôm” ngân hàng nhỏ hơn không phải tới tình huống “giải cứu” vào giờ G của Vietcombank và VNCB mới có, mà trước đó tại ĐHCĐ của mình PGBank cũng đã ngỏ ý muốn sáp nhập vào VietinBank với tư cách là một ngân hàng con của “đại gia” ngân hàng này. Tuy nhiên, thương vụ này sau đó đã bị “đình lại” vì vướng trở ngại về mặt pháp lý.

Cho tới nay thương vụ sáp nhập này vẫn chưa có hồi kết, rằng PGBank sẽ được “gả” về đâu, khi chỉ còn vài tháng nữa là sang năm 2015 – thời điểm buộc cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Petrolimex phải thoái vốn sở hữu tại PGBank xuống dưới 20% theo quy định của Chính phủ.

Về mặt nguyên tắc, việc một đại gia ngân hàng “cứu” ngân hàng nhỏ có vấn đề đã được Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” khi có chủ trương khuyến khích các ngân hàng lớn cùng tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, yếu, thay vì để NHNN đứng ra mua cổ phần và tự vực dậy các ngân hàng trên.

Cách làm này, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian.

Điểm mới thứ hai là chuyện mua bán – sáp nhập ngân hàng để “hợp thức hóa” sở hữu chéo chồng chéo đang tồn tại giữa các nhà băng.

Trước đó, chuyện mua bán sáp nhập ngân hàng cũng làm “nóng” mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng hồi tháng 4 vừa qua. Một trong những thương vụ sáp nhập được chú ý phải kể đến là việc Maritime Bank sẽ trình cổ đông thông qua sáp nhập một tổ chức tín dụng. Theo thông tin chưa chính thức, tổ chức tín dụng mà Maritime Bank “kết hôn” là Ngân hàng Phát triển Mê Kông. Hiện Maritime Bank đang là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu hơn 10%.

Cũng tại ĐHCĐ của Sacombank, cổ đông ngân hàng đã chấp thuận việc sáp nhập với Southern Bank. Nếu quan sát thương vụ “nuốt trọn” cổ phiếu Sacombank hồi cuối năm 2012, thì việc Sacombank sẽ “gả” về với Southern Bank không làm giới đầu tư bất ngờ, bởi thực chất đây chỉ là việc “hợp thức hóa” sở hữu chéo của Southern Bank tại Sacombank mà thôi.

“Tiền tươi, thóc thật”, ở đâu?

Tại diễn đàn về mua bán và sáp nhập được tổ chức mới đây, ông Hạ Bá Trực - Giám đốc đầu tư của HDBank cho rằng, rất nhiều ngân hàng hiện nay đang gặp phải vấn đề nợ xấu. Tuy thế, theo ông Trực, đó chỉ là khó khăn tạm thời. “Cũng phải nhìn nhận rằng, hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, yếu tố quan trọng là năng lực tài chính và vốn” – ông nói.

Cần có vốn cũng là điều mà bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng Ernrst & Young Việt Nam nhấn mạnh khi nhắc tới câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua.

“Thực tế, M&A ngân hàng không chỉ giúp thanh lọc ngân hàng yếu kém mà còn là cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất. Các vấn đề tồn tại trong việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng như nợ xấu, suy giảm vốn của ngân hàng,… sẽ được giải quyết triệt để khi có “tiền tươi thóc thật”- bà Dương quả quyết.

Ngoài ra, để tái cấu trúc ngành ngân hàng với mục đích đảm bảo an toàn trong hoạt động, NHNN cần cân nhắc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng, toàn ngành ngân hàng đang rất cần nguồn vốn “tươi” và “thật” để có thể bù đắp vốn đã bị thất thoát và suy giảm, và các yếu tố ngoại là một trong những giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ được khó khăn này.

Dù mua bán sáp nhập ngân hàng đang vào “đỉnh sóng”, song ông Keith Pogson – Giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính – ngân hàng Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại kiên quyết, không nên kéo dài thời gian tồn tại của những ngân hàng đã quá yếu kém. Với những ngân hàng này, tốt nhất là cho phá sản để không gây phản ứng dây chuyền ảnh hưởng tới toàn hệ thống.

“Không nên “tiếc” ngân hàng quá yếu”, cũng là lời khuyên của bà Victoria Kwawa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi nêu quan điểm về quá trình cơ cấu lại ngân hàng Việt.

Dưới góc nhìn của mình, bà Victoria Kwakwa chia sẻ quan điểm, tái cơ cấu ngân hàng không đơn thuần chỉ là mua bán, sáp nhập các ngân hàng lại với nhau. “Nếu ngân hàng nào quá yếu kém, thì nên kiên quyết loại bỏ, cho phá sản thay vì cố vớt vát bằng cách cho sáp nhập với một ngân hàng khác”- bà nói và tỏ rõ sự lo ngại, nếu một ngân hàng yếu “gộp” lại với một nhà băng khỏe, thì ngân hàng sau cuộc “kết hôn” này không những không khỏe lên, mà có thể yếu đi.

Chia sẻ về góc nhìn của mình về những “kịch bản” xử lý các ngân hàng yếu kém, một chuyên gia tài chính ngân hàng đã phải thốt lên, “dường như quá trình này mới rầm rộ trên… giấy”.

Theo ông, những chiến lược để xử lý sở hữu chéo, nợ xấu… đã được thấy rõ song vấn đề là nó đang được triển khai quá chậm chạp. “Cần phải nhanh chóng và mạnh dạn rút ngắn thời gian giải quyết nợ xấu, rồi mới có thể nghĩ tới chuyện cơ cấu hay không, chứ 3-5 năm mới giải quyết xong nợ xấu là khó chấp nhận được” – ông nói.

Lo lắng này hoàn toàn là có cơ sở, khi việc sắp xếp lại những ngân hàng yếu kém chỉ mới là một phần trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính. Về định hướng chung, sau khi từng bước xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Bình cho biết đang bắt đầu bước vào giai đoạn hai của tái cơ cấu hệ thống.

Giai đoạn này sẽ tập trung xử lý những ngân hàng lớn hơn, thử thách sẽ lớn hơn và sẽ quyết liệt hơn. Điều thị trường trông chờ hơn chính là sức khỏe của ngân hàng sau tái cấu trúc có thực sự là “cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật”?.

Có thể thấy, những xu thế mới đang diễn ra trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang tạo ra cú huých mới, nhằm loại bỏ nhanh chóng những ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống….Nếu những “kịch bản” này thành công, thì kế hoạch tới năm 2015 sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng, và tới năm 2017 số nhà băng rút xuống còn 15 hoàn toàn khả thi.

Hoài Anh (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.