Có ngân hàng thì bị nhiều đối tượng tranh giành, có ngân hàng thì chẳng ai muốn sáp nhập.
Sáp nhập là hướng đi tất yếu của quá trình tái cơ cấu và lớn mạnh mà ngân hàng nào cũng phải tính đến. Tuy nhiên, lựa chọn đối tác nào để hiệu ứng hậu sáp nhập cao nhất và quá trình xử lý hậu sáp nhập đỡ mất thời gian nhất là bài toán mà nhiều ngân hàng đang “cân và tìm”.

Thế mới có chuyện, có ngân hàng thì bị nhiều đối tượng tranh giành, có ngân hàng thì chẳng ai muốn nhận…

DongABank đang được hai ngân hàng là Vietcapital Bank và ABBank giành nhau. Mặc dù gay cấn, nhưng cuộc chạy đua này cũng sẽ sớm kết thúc bởi theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6 này sẽ phải chốt cho xong đối tượng để sáp nhập để thực hiện kiện toàn hệ thống theo hướng lành mạnh, tăng năng lực cạnh tranh.

Kẻ đắt khách, người ế trơ

Theo nguồn tin của BizLIVE, lãnh đạo cấp cao của 2 ngân hàng là DongABank và ABBank đã có những buổi gặp nhau để trao đổi, tiếp xúc và muốn sáp nhập vào thành 1 ngân hàng. Sở dĩ lãnh đạo của hai ngân hàng này tìm đến nhau là vì có cùng một định hướng đó là đầu tư công nghệ để phát triển dịch vụ, sản phẩm ngân hàng.

Tính từ 2010 trở về trước, DongABank là ngân hàng được biết đến là một ngân hàng được định hướng phát triển bài bản theo hướng đầu tư công nghệ. Nhiều sản phẩm như cây ATM di động, thẻ đa năng Đông Á... từng là những sản phẩm làm nên thương hiệu cho DongABank.

Vài năm trở lại đây, DongABank đã chững lại, hoạt động dường như không có gì nổi bật, thương hiệu bị “mắc kẹt” với chính bước tiên phong của mình. Cùng với đó, tăng trưởng của DongABank đã chậm lại và lợi nhuận giảm đặc biệt kể từ 2012. Đặc biệt, nợ xấu chính là nỗi lo của DongA Bank. Tính đến cuối quý III/2014, nợ xấu chiếm đến 13% tổng dư nợ, cho dù ngân hàng đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý III.

Để giải quyết tình trạng này, chỉ còn một cách là tăng vốn điều lệ để có nguồn lực tài chính xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của DongABank từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Mặc dù rơi vào khó khăn nhưng DongABank là một ngân hàng tiềm năng với những ông chủ muốn săn lùng đối tác để sáp nhập. Tính đến thời điểm hiện tại, DongABank có 235 điểm giao dịch trên 57 tỉnh thành. Một con số đáng mơ ước đối với đối tác sáp nhập vì việc xin mở điểm giao dịch mới cũng chỉ hạn chế cấp phép cho 2 - 3 điểm giao dịch trong một năm đối với một ngân hàng.

Còn ABBank, tính đến thời điểm hiện tại có 146 điểm giao dịch trên toàn quốc và vốn điều lệ gần 4.800 tỷ đồng. Nếu DongABank và ABBank sáp nhập với nhau sẽ trở thành một ngân hàng lớn với vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng và có 381 điểm giao dịch, có thế mạnh về công nghệ.

Bởi vậy, một đối tác khác cũng quan tâm DongABank, đó là ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank). Mặc dù có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và khoảng 30 điểm giao dịch trên toàn quốc, nhưng đây là ngân hàng đã qua tái cơ cấu nên được đánh giá là khỏe.

Tính đến 30/6, lợi nhuận trước thuế tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ, với 130 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 103 tỷ đồng, tăng 2,6 lần. VietcapitalBank có hơn 417 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,8% trên tổng dư nợ, giảm 0,3% so với cuối năm 2013.

Nếu sáp nhập với DongABank, Vietcapital Bank sẽ vươn mình thành ngân hàng lớn với vốn điều lệ là 8.000 tỷ đồng và gần 300 điểm giao dịch.

Trong khi DongABank đang là đối tượng để nhiều ngân hàng giành giật, thì GPBank không ai muốn “rước về”.

Trở thành tâm điểm của thị trường vào đầu năm 2012 khi GPBank được phép bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là UOP (ngân hàng của Singapore) nhưng sau đó thị trường vắng thông tin về thương vụ này.

Mới đây, thị trường lại xôn xao với tin GPBank muốn về một nhà với LienVietPostBank nhưng ngân hàng này từ chối vì trước đó đã sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện và hiện vẫn còn phải đầu tư cho hệ thống mạng lưới giao dịch này nên không thể nhận thêm GPBank.

Chạy đua sáp nhập
GPBank sáp nhập với ngân hàng nào thì còn chờ sự sắp xếp và quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tất cả còn phải chờ đến mốc 30/6, thời điểm chốt lại những cặp đôi sẽ về một nhà và khi đó, những phương án phát sinh sẽ khai lộ.

Nhưng có một thực tế, các ngân hàng bắt đầu ý thức hơn với việc cần phải sáp nhập vì đây là con đường duy nhất để tồn tại và phát triển. Áp lực cạnh tranh rất lớn, những ngân hàng đã hợp nhất, sáp nhập trước đó như SHB, SCB, Pvcombank… đã kiện toàn hệ thống và bắt đầu tỏa sức ảnh hưởng tới hệ thống.

Bởi vậy, nhiều ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và thâu tóm ngân hàng khác vào hệ thống của mình. Điển hình như NamABank. Nếu như nữa năm 2014 trở về trước, những thông tin về NamABank gần như không có trên thị trường, thì nay, thông tin về ngân hàng này sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán và thâu tóm một ngân hàng khác được nhắc đến.

Hiện NamABank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và đang lên kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng và khoảng 52 điểm giao dịch trên toàn quốc. Nếu thâu tóm OceanBank, NamABank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ 8.350 tỷ đồng (OceanBank có vốn điều lệ 5.350 tỷ đồng) và khoảng 110 điểm giao dịch (Oceanbank có 57 điểm giao dịch).

Cuộc chạy đua sáp nhập không chỉ dừng ở các ngân hàng cổ phần nhỏ mà khá sôi động ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, MaritimeBank. Với Vietcombank và Vietinbank, Ngân hàng Nhà nước có định hướng muốn xây dựng thành ngân hàng lớn có quy mô ngang tầm khu vực, nên việc sáp nhập một ngân hàng nào đó vào hệ thống cũng là bài toán cần tính đến để đẩy nhanh mạng lưới và quy mô hoạt động.

Dù vậy, việc lựa chọn đối tác nào để sáp nhập cũng là bài toán mà ngân hàng cần tính toán để hiệu ứng sau hậu sáp nhập là tốt nhất và những vấn đề cần phải xử lý cũng dễ dàng hơn.
Trần Giang (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.