Sạp nằm gần cửa Đông chợ Bến Thành, có diện tích khoảng 4m2 đang rao bán giá 8 tỷ đồng.

Chịu sức ép cạnh tranh ngày một lớn bởi các kênh phân phối hiện đại, nhưng nhiều ngôi chợ ở TP HCM vẫn giữ được vị thế của mình, đặc biệt giá trị sạp tại một số chợ ngang ngửa, thậm chí đắt hơn cả tiền mua một căn nhà phố.

Chợ Bến Thành nằm giữa trung tâm Sài Gòn được xem là ngôi chợ “đắt giá” nhất hiện nay. Mỗi ngày chợ có hàng chục nghìn lượt khách ghé, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Hầu hết các sạp ở đây được lưu truyền qua 2-3 đời. Hiện giá chuyển nhượng các sạp rẻ nhất tại chợ này cũng trên 2 tỷ đồng, chủ yếu nằm sâu bên trong và kinh doanh các mặt hàng như trái cây, rau quả.

Giá sạp tại chợ Bến Thành lên tới cả chục tỷ đồng. Ảnh: Hồng Châu.

Mới đây, sạp 655 tại chợ Bến Thành chuyên bán túi xách, có diện tích 4m2, gần cửa Đông đã rao bán với giá 8 tỷ đồng. Theo người chủ, giá chuyển nhượng này vẫn ở mức rẻ nếu so với việc thanh toán bằng vàng trước đây, thông thường từ vài chục lượng trở lên. Thậm chí, một sạp hàng ở khu hàng mỹ phẩm có vị trí tại góc ngã tư với 2 mặt tiền lộ giới khoảng 2m, diện tích là 1,5x1m được mua cách đây 10 năm giá 250 lượng vàng. Một sạp đôi kinh doanh mặt hàng giỏ xách có diện tích 1,5x3,6m nằm trong hẻm nhỏ mua tới 450 lượng vàng...

Giá rao bán cao hơn các sạp ở cửa Đông hiện nay là cửa Tây, phía đường Phan Chu Trinh, nơi tập trung các hàng giày dép, mỹ nghệ, đồ lưu niệm, túi xách..., được các tiểu thương nhận xét là khu vực "VIP". Diện tích các sạp này có chỗ lên tới cả chục m2, chuyên bán các mặt hàng khách du lịch ưa chuộng nên giá chuyển nhượng thường trên chục tỷ đồng.

Không nằm ở quá gần trung tâm thành phố nhưng lại là một chợ sỉ giá rẻ nổi tiếng Sài Gòn, giá chuyển nhượng sạp tại chợ Tân Bình cũng không thua kém gì Bến Thành, có sạp giá lên tới 7-8 tỷ đồng.

Chị Đỗ Thị Thu Hà, chủ sạp K21, khu A1, tại chợ Tân Bình cho biết, vừa rồi chị cũng mới chuyển nhượng sạp 2 mặt tiền rộng 6,25m2 ở chợ này với giá 5,2 tỷ đồng để bán quần áo.

“Vì là chợ bán sỉ với số lượng lớn nên tôi mới dám mua với giá đấy. Chứ nếu chỉ bán lẻ thì khó mà hoàn vốn”, chị Hà nói.

Ngoài những vị trí mặt tiền, các sạp trong chợ này dù chỉ rộng khoảng 3-4m2 cũng có giá vài tỷ đồng. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết, để mua được những sạp tiền tỷ này, họ phải thế chấp giấy tờ, nhà cửa mới mua nổi chỗ buôn bán tốt.

Bên cạnh Bến Thành, Tân Bình, chợ An Đông 2 (An Đông Plaza) cũng được xếp hạng chợ có giá thuê sạp tiền tỷ, nhưng trong thời hạn ngắn hơn rất nhiều so với các chợ trên.

Theo chủ một quầy quần áo ở dãy Q của An Đông Plaza, với không gian thoáng, diện tích 5-8m2 sạp này trước có giá trên 2 tỷ đồng. Nay nếu áp dụng khung giá mới chị sẽ phải trả khoảng gần 5 tỷ với khung thời gian 5 năm. Lợi thế của dãy này là có 1-2 vị trí mặt tiền giáp với lối đi.

Mặc dù giá đó được xem là khá cao nhưng ban quản lý chợ An Đông Plaza cho biết, trên thực tế giá chuyển nhượng sạp giữa các tiểu thương còn cao hơn nhiều so với giá thuê của nhà đầu tư.

Ngoài những chợ sỉ, nổi tiếng, một số chợ truyền thống lẻ ở Sài Gòn có giá rẻ hơn, dao động từ 200 triệu đến một tỷ đồng.

Cô Hoa, chủ sạp quần áo gắn bó hơn 20 năm tại chợ Bà Chiểu cho biết, trước đây, mua sạp với giá vài cây vàng. Nếu bây giờ chuyển nhượng, sạp hơn 3m2 của cô có giá khoảng 300 triệu đồng.

Còn chú Khánh, kinh doanh đồ uống 20 năm tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) cũng cho biết, với diện tích khoảng 4m2 nếu chuyển nhượng có thể lên tới cả tỷ đồng. Tuy nhiên, vì muốn gắn bó với chợ nên chú sẽ không chuyển nhượng.

Hồng Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.