CafeLand - Nói đến dự án sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), hầu hết giới chuyên môn đều nhìn nhận, đây thật sự là một vụ việc tệ hại trong quá trình chỉnh trang đô thị hóa Đà Nẵng 20 năm qua. Không dưng từ một dự án kêu gọi đầu tư có tín hiệu tốt, Đà Nẵng đã “tự sinh đống nợ” ngay trên mảnh đất đang có.

Thậm chí theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, kể từ năm 2016 này, địa phương sẽ phải dàn xếp nhiều mảng đầu tư, cân đối nhiều dự án khai thác hạ tầng, để tạo quỹ vốn xử lý, cân đối lại con số tài chính thất thoát từ dự án sân vận động Chi Lăng trong nhiều năm.

Thất thoát và lãng phí?

Cơ sở vật chất vốn có của sân vận động Chi Lăng đều bị bỏ hoang nhiều năm qua.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng, sân vận động Chi Lăng đến nay đã được kết luận có dấu hiệu vi phạm trong quản lý kinh tế, do Tập đoàn Thiên Thanh gây ra, với số vốn đầu tư khoảng 6 ngàn tỷ đồng. Con số này bao gồm khoảng 1.500 tỷ đồng triển khai đầu tư, chuyển quyền sử dụng đất ở sân vận động Chi Lăng, và 4 ngàn tỷ đồng vay vốn thế chấp tại các ngân hàng do các cổ đông Thiên Thanh thực hiện.

Sự vụ này đã được kéo dài nhiều năm, kể từ khi chính quyền Đà Nẵng ủng hộ dự án đầu tư khu phức hợp thương mại sân vận động Chi Lăng của tập đoàn Thiên Thanh, quyết định “bán sân vận động” để tạo một thay đổi lớn ở khu vực hạ tầng trung tâm thành phố.

Bản vẽ của dự án này, và vào đúng thời điểm kinh tế khủng hoảng nặng nề, đã đủ thuyết phục mọi cấp ngành chuyên môn ký vào hồ sơ giao dịch, và sự thật những động thái đầu tư của tập đoàn Thiên Thanh cũng đã diễn ra.

Các thành viên đầu tư vào tập đoàn này trong một thời gian ngắn, đã tiến hành chi trả tiền sử dụng đất, triển khai đầu tư... đúng cam kết. Địa phương cũng rất nhanh xúc tiến các công đoạn đánh giá hiện trạng, tính toán đền bù để hy vọng đưa các hộ dân khỏi khu vực dự án, khớp đúng tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, điều không mấy ai ngờ là chính các thành viên tập đoàn Thiên Thanh đã dựa vào những điều kiện hỗ trợ tốt của chính quyền Đà Nẵng để thực hiện các giao dịch “ngầm”, xẻ lô phân mảnh sân vận động, “cắm sổ đỏ dự án” vay vốn các ngân hàng.

Sự việc chỉ vỡ lở khi cơ quan chức năng vào cuộc và bắt giữ các nhân vật này trong vụ án điều tra vi phạm quản lý kinh tế của tập đoàn Thiên Thanh. Thế là không dưng, ngay trên mảnh đất sân vận động Chi Lăng chưa hề có tín hiệu thay đổi hạ tầng nào, thì Đà Nẵng đã phải “tự ôm” một đống nợ khủng đến 6 ngàn tỷ đồng mà không biết làm sao xử lý.

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn phải đối diện với những thất thoát to lớn từ dự án.

Thứ nhất là việc đầu tư các khu đất tái định cư, hỗ trợ người dân di dời hơn 194 tỷ đồng, triển khai 107 lô đất mặt bằng không biết làm sao thu hồi lại.

Thứ hai là hơn 80 hộ dân tại đây đã nhận đất tái định cư nhưng không phải di dời đi đâu, vẫn sống và kinh doanh trên đất ở cũ gây lãng phí nguồn thu ngân sách hàng tháng.

Thứ ba, toàn bộ cơ sở hạ tầng về sân vận động Chi Lăng bị đập dỡ, bỏ hoang xuống cấp, thành phố tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng đi thuê các điểm văn phòng, sân tập khác để rồi vẫn phải quay lại thuê... chính sân vận động Chi Lăng cho hoạt động bóng đá địa phương.

Thứ tư, sân vận động Hòa Xuân, hướng giải quyết “đầu ra” cho sân Chi Lăng, sau một thời gian gấp rút thi công, xúc tiến vốn liếng cũng không thể hoàn thành được, đến nay vẫn treo lơ lửng.

Thứ năm, toàn bộ cơ hội đầu tư bất động sản khu vực, cùng những dự án có liên quan, các vấn đề chủ trương chính sách có thể mang lại lợi nhuận cho địa phương những năm qua, chỉ vì dự án này mà đình đốn, là một hiện trạng lãng phí không đo đếm được.

5 năm nữa vẫn... mờ mịt?

Đà Nẵng đã tự sinh "đống nợ" ngay trên mảnh đất sân vận động Chi Lăng

Nhằm khắc phục phần nào những hậu quả mà vụ án tập đoàn Thiên Thanh đã gây ra cho địa phương, thời gian qua chính quyền thành phố Đà Nẵng đã cố gắng dàn xếp, tổ chức nhiều hướng trao đổi để tìm cách nắm lại quyền quản lý dự án sân vận động Chi Lăng. Kết cuộc đến nay, tạm thời Đà Nẵng đã có những thỏa thuận tích cực hơn với Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đang quản lý dự án này.

Về căn bản, chính quyền thống nhất trong 5 năm tới, sân vận động Chi Lăng sẽ vẫn hoạt động bình thường. Địa phương đã cân đối được nguồn vốn đầu tư chỉnh trang, xử lý lại hiện trạng sân vận động này, để các hoạt động, sinh hoạt thể thao liên quan có thể duy trì ổn định.

Thứ hai, theo ông Huỳnh Đức Thơ, địa phương sẽ tiếp tục chủ trương giải tỏa hết phần diện tích dân cư tiếp giáp 4 trục đường quanh sân vận động, để xử lý rõ ràng các dự án giải tỏa đền bù, bố trí hộ dân tái định cư từ dự án. Điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng lãng phí nguồn thu ngân sách lâu nay và tránh hiện tượng lãng phí mặt bằng trong thời gian tới.

Thứ ba, quan trọng hơn, chính quyền Đà Nẵng đã nhất quán sẽ không có sự bàn giao, dịch chuyển sân vận động Chi Lăng nữa, mà sẽ đầu tư dự án trở thành một sân vận động hiện đại, khang trang, nơi tổ chức tốt các giải đấu và thể thao quốc tế.

Tuy nhiên, để làm được 3 việc đó, Đà Nẵng sẽ phải tổ chức, thu xếp trong nhiều năm để cân đối được nguồn vốn “chuộc lại” sân vận động này. Ít nhất, địa phương phải điều đình từ các nguồn vốn vay Trung ương để trả lại 1.400 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất thuộc dự án. Dài lâu, cũng không có tập đoàn tài chính nào đủ sức thực hiện các dự tính đầu tư như tập đoàn Thiên Thanh đặt ra, nên lại càng khiến mơ ước thay đổi hiện trạng bất động sản trung tâm Đà Nẵng “nâng tầm” trở nên xa vời hơn.

Rõ ràng với một dự án “thảm bại” như sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng phải chăng cần xem xét lại chính năng lực quản lý, quy trình kiểm soát và giám sát các dự án đầu tư bất động sản quy mô trên địa bàn, để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ “vỡ dự án” tương tự?

Còn hậu quả của dự án sân vận động Chi Lăng, thì rõ ràng chính quyền địa phương đã phải cay đắng rất nhiều, khi tự dưng tạo ra một đống nợ!

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.