Theo kế hoạch, năm nay, Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ khởi động giai đoạn 1 và hoàn thành vào năm 2020 với công suất 25 triệu khách một năm. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực Sân bay Long Thành đã đủ và có được đầu tư “xứng tầm” với một sân bay quốc tế có quy mô lớn như vậy?

Mô hình Sân bay quốc tế Long Thành

Được biết, Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 6 sắp tới.

Đón đầu cơ hội tăng trưởng hàng không

Theo quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến năm 2020 sẽ là một trong 10 Cảng hàng không quốc tế của mạng cảng hàng không - sân bay toàn quốc.

Định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tiếp tục đầu tư mở rộng các giai đoạn tiếp theo để đảm bảo vai trò thay thế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trở thành Cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất của khu vực phía Nam và là cảng hàng không quốc tế lớn nhất toàn quốc, là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 80-100 triệu khách/năm.)íTrong khá nhiều ý kiến, tranh luận về Dự án Sân bay Long Thành, mới đây nhất một số cử tri quận Tân Bình - TP HCM (nơi có sân bay Tân Sơn Nhất) đã lên tiếng phản đối việc xây sân bay Long Thành . Đồng thời, các cử tri ở đây đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sang phía bên kia đường băng (nơi đang có dự án sân golf), hoặc sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa cho hoạt động hàng không dân dụng.

Theo các chuyên gia ngành hàng không, việc dùng sân bay quân sự Biên Hòa làm sân bay dân dụng để không phải xây sân bay Long Thành là không khả thi vì sân bay Biên Hòa nằm ngay trên hành lang bay ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu biến sân bay Biên Hòa thành một sân bay dân sự lớn, sẽ xuất hiện tình trạng tắc nghẽn đường bay trên trời. Nếu sử dụng sân bay Biên Hòa để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hạ tầng sân bay dưới đất, nhưng lại tạo ra tình trạng tắc nghẽn đường bay trên trời, gây tốn kém, không đạt được sự cải thiện nào đáng kể. Chưa kể là hiện sân bay Biên Hòa vẫn chưa giải quyết xong các khu đất bị nhiễm dioxin (chất độc màu da cam) do chiến tranh để lại. Trong tình hình đó, việc biến sân bay Biên Hòa thành một sân bay dân sự lớn là không đảm bảo an toàn cho hành khách và một số lượng đông đối cán bộ, nhân viên các loại làm việc tại sân bay. Và lấy Sân bay Biên Hòa (sân bay quân sự lớn ở khu vực phía Nam) làm sân bay dân sự thì bắt buộc phải xây một sân bay quân sự mới thay cho nó và số tiền đầu tư cho sân bay quân sự đó cũng không hề nhỏ.

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi chưa có Long Thành, ở mức độ nhất định, việc mở rộng sân bay bắt buộc phải làm nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế để có thể tăng công suất sân bay lên đủ cho nhu cầu trong ngắn hạn.

Khẳng định việc xây dựng sân bay Long Thành là một nhu cầu tất yếu đối với tương lai phát triển của TP HCM và khu vực phía Nam của đất nước, ông Võ Kim Cương – Nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM lý giải: “Với tương lai không xa của vùng Đô thị TP HCM (gồm TP HCM và các thành phố ở 7 tỉnh xung quanh), vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam, vùng Nam Bộ và Đông Nam Á, một sân bay lớn xuyên lục địa với quy mô như dự kiến cho sân bay Long Thành là nhu cầu tất yếu. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã nằm giữa một vùng dân cư đông đúc, do yêu cầu về môi trường đối với TP HCM và sự quá tải của hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay hiện nay, Tân Sơn Nhất không thể được mở rộng theo quy mô lớn đó. Hơn nữa, khu vực Long Thành có điều kiện tốt về đất đai và không gian để xây dựng sân bay xuyên lục địa.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện tiểu ban giao nhận vận tải của Euro Cham kiến nghị: “VN nên xây sân bay quốc tế Long Thành nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng của thị trường hàng không. Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố nên về thực tiễn không thuận lợi, cần dịch chuyển ra ngoài”.

Hạ tầng bên ngoài có “xứng tầm”?

Theo các chuyên gia, nếu dự án sân bay Long Thành được Quốc hội phê duyệt vào tháng 6 tới thì ngoài việc huy động đủ vốn để triển khai dự án thì câu chuyện hạ tầng kỹ thuật bên ngoài cũng cần được chú trọng, thậm chí đi trước một bước để tạo tiền đề cho việc triển khai dự án và là cơ sở đế đạt hiệu quả sử dụng sân bay Long Thành tốt nhất. Sau khi dự án Sân bay Long Thành được Chính phủ phê duyệt vào năm 2005, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ đã được triển khai đồng loạt và khẩn trương như: Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc Vũng Tàu – Biên Hòa, cụm cảng Thị Vải – Cái Mép… Đến nay, hầu hết các dự án này đã hoàn thành những hạng mục cơ bản và nhiều dự án đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nếu so với quy mô và tầm vóc của dự án Sân bay Long Thành thì liệu cơ sở hạ tầng hiện tại đã đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thong sau khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động?

Theo ông Võ Kim Cương: “Từ TP HCM đã có đường cao tốc Thủ Thiêm đi Long Thành, trục này còn được nối về ĐBSCL, đường Xuyên Á (qua Kampuchia), nối với Quốc lộ 1 ở Dầu Giây. Quốc lộ 51 nối Long Thành với Biên Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là trục cao tốc. Đường sắt cũng sẽ được nối vào Long Thành. Long Thành cũng không xa khu vực cảng biển Thị Vải - Cái Mép. Với không gian rộng rãi, việc đảm bảo hạ tầng phục vụ sân bay không có gì khó khăn”. Nhấn mạnh rằng, cùng với việc xây dựng sân bay Long Thành, chắc chắn Nhà nước sẽ tổ chức đầu tư hệ thống hạ tầng khu vực liên quan để phục vụ sân bay, TS Võ Kim Cương cũng nhận định: “Sân bay Long Thành, khu vực cảng biển nước sâu lớn ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là các động lực cho phát triển đô thị mạnh mẽ của khu vực này, nó chia sẻ bớt gánh nặng đô thị hóa ở TP HCM, tạo điều kiện cải thiển môi trường TP theo mục tiêu phát triển xanh và bền vững”.

Về phía tỉnh Đồng Nai, hơn một năm trước UBND tỉnh đã công bố quy hoạch 21.000 ha xung quanh khu vực sân bay Long Thành. Theo quy hoạch, trong diện tích khoảng 21.000 ha, ngoài các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa, nơi này sẽ hình thành các trung tâm đào tạo - nghiên cứu, dịch vụ y tế - giáo dục - thể thao và nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế.

Cụ thể, 21.000 ha này được tính toán cho các dự án hạ tầng dự kiến đầu tư làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2020) đã và đang triển khai các dự án khu dân cư Lộc An cùng các đường kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và một phần trung tâm đào tạo quốc tế. Giai đoạn 2 (2020-2025) xây dựng thêm các khu đô thị ở phía đông, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng... Riêng giai đoạn 3 (sau năm 2025 đến khi sân bay đạt công suất tối đa) sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, đồng thời hoàn thiện cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực phía Nam.

Quy hoạch là thế, nhưng để biến quy hoạch thành thực tế có lẽ sẽ không phải là điều đơn giản...

K.Huệ (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.