Áp lực mới xuất hiện cuối quý 1 đã đặt ra yêu cầu có bước tiến mới trong tiến trình giảm lãi suất. Nhưng mức giảm cũng như thời điểm cần tính toán trong "thế cờ” nợ xấu.
Rục rịch giảm tiếp lãi suất
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động về 12% một năm Ảnh: Hoàng Long


Tăng trưởng tín dụng: Mạnh quá cũng "chết”, giảm quá cũng "chết”

Con số tăng trưởng tín dụng đến 20-3 ở mức -2,13% đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về khả năng duy trì mức độ tăng trưởng theo kế hoạch trong năm nay từ 6% - 6,5%. Theo số liệu chính thức thì tăng trưởng kinh tế quý 1-2012 chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,84% trong quý 1-2010 và mức 5,57% của quý 1-2011.

Một điểm khá trái ngược là mức huy động tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng đến 20-3 đã tăng khoảng 1,56%. Trong đó, riêng mức huy động tiền đồng trong khu vực dân cư tăng 4,55%. Tiền gửi tăng lên, trong khi cho vay ra sụt giảm giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể.

Những số liệu kinh tế vĩ mô khác trong quý 1 cũng cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn. Đầu tiên là chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1-2012 chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2011, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,2%, giảm rất mạnh so với mức tăng 12,4% của quý 1 năm ngoái.

Tiếp đến là lượng hàng tồn kho tăng quá nhanh. Đến 31-12-2011, lượng hàng tồn kho toàn thị trường tăng 31% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 79% so với cùng kỳ 2009. Hàng tồn kho tăng như vậy là biểu hiện của năng lực tiêu thụ hàng hóa đã giảm mạnh. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ủng hộ điều này, khi xác nhận tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011 sau khi đã loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,7%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 14% của năm 2010. Cầu tiêu dùng đang giảm là điều dễ nhận thấy ngay cả trong đời sống hàng ngày.

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: việc tăng trưởng tín dụng âm trong quý 1-2012 thực sự là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Khác với các năm trước, hiện tượng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm mạnh. Trong khi đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% thì tín dụng cả năm phải tăng trưởng đảm bảo 15% - 17%.

Đẩy mạnh cho vay không dễ

Lạm phát theo tháng đang giảm, thanh khoản ngân hàng tốt, không lý gì không giảm được lãi suất cho vay. Suy luận có vẻ đơn giản như vậy lẽ nào nhà điều hành và các ngân hàng lại không biết? Vấn đề nằm ở chô: chính các doanh nghiệp không hấp thụ được vốn cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp xấu quá, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Ủy ban Giám sát Tài chính nhận định vấn đề nợ xấu được xem là gốc gác của khó khăn về thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ, yếu kém nói riêng và của toàn hệ thống ngân hàng nói chung. Với tỉ lệ nợ xấu lớn, các ngân hàng yếu mất thanh khoản và buộc phải đi vay trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2 bằng mọi cách để giải quyết vấn đề thanh khoản cục bộ.

Thậm chí theo đánh giá của tổ chức quốc tế như Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu thực sự của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thể cao hơn tới 4 lần so với con số chính thức 3,3% được công bố trước đó.

Giảm lãi suất cho vay có thể được tính đến, nhưng khó có thể giảm tiêu chuẩn cho vay vì chính các ngân hàng cũng lo ngại vấn đề nợ xấu. Một giải pháp dung hòa được Ủy ban Giám sát Tài chính kiến nghị, là trước mắt có thể cân nhắc cơ chế linh hoạt và giải pháp cho vay đối với các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang phát sinh nợ quá hạn do chịu tác động của bất ổn kinh tế. Đề nghị xem xét cho khoanh nợ đối với các doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực sản xuất thiết yếu để đủ điều kiện vay vốn.

Cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và nhóm ngân hàng G12 hôm 5-4 vừa qua cũng đặt ra vấn đề thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nói ngắn gọn là các ngân hàng bàn nhau làm sao để đẩy mạnh cho vay nhiều hơn. Các doanh nghiệp tốt, lành mạnh đã trụ lại được trong giai đoạn khó khăn thì quá đủ điều kiện vay nhưng họ có thể không muốn cho vay vì đẩy mạnh sản xuất lúc này cũng rủi ro. Đó là chưa kể đến việc chính doanh nghiệp gây áp lực, đòi hỏi lãi suất phải "mềm”. Tuy nhiên trước sau thì mức lãi suất cho vay cũng phải giảm dần vì vốn ứ đọng trong ngân hàng sẽ phát sinh rủi ro, chứ không phải có lợi.

Theo Đại Đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh