Từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước 8 lần liên tiếp giảm các lãi suất chủ chốt, 5 lần hạ trần lãi suất cho vay các nhóm ưu tiên. Lãi vay đã xuống thấp, nhưng thực tế tiếp cận còn những ý kiến khác nhau.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc quy định cụ thể mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng nhỏ.

Tháng 9 vừa qua, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) có báo cáo tổng thể về tình hình lãi suất.

Báo cáo cho biết, đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 9 - 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006, thấp hơn năm 2007; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 - 11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ từ 6,5 - 7%/năm.

“Lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Vụ Chính sách tiền tệ kết luận.

Tuy nhiên, trong hàng chục ý kiến cử tri trên cả nước gửi về, được tập hợp trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 sắp tới, lãi suất vẫn được xem là rào cản trong tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.

Cử tri tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Gia Lai, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… phản ánh, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương và thực hiện cắt giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoặc khó tiếp cận được nguồn vốn “rẻ”.

Cùng với việc điểm lại tình hình lãi suất hiện nay như trên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định nhiều doanh nghiệp tốt, lành mạnh, có dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả hiện đã vay được mức chỉ từ 7 - 9%/năm. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đa tập trung giảm lãi vay cho các khoản nợ cũ.

Cụ thể, tính đến ngày 15/8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,86%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012 và mức 65,8% trước ngày 15/7/2012, tỷ trọng của các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm chiếm khoảng 25,7%, giảm mạnh so với mức 66,6% cuối năm 2012.

Tuy nhiên, theo đề nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, để doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất, ngân hàng cần ổn định mức lãi suất cho vay từ 9 - 9,5%, vì bình quân lãi suất khu vực chỉ có 6,55%, còn ở Việt Nam là 14%, có lúc cao hơn gây khó khăn cho doanh nghiệp và mất cân đối trong đầu tư phát triển.

Trước so sánh này, Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng, mặt bằng lãi suất của một nước, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung, cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát của nước đó.

“Các nước trong khu vực có thể duy trì mức lãi suất cho vay thấp vì lạm phát của họ được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư ở mức cao; gửi tiền tại ngân hàng chỉ là một hình thức đầu tư an toàn, không phải là hình thức đầu tư hiệu quả nhất; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước giải thích thêm.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, lạm phát thường ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; khả năng huy động vốn từ tổ chức, cá nhân trong nước để cho vay đối với nền kinh tế còn hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng... nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - tổ chức tín dụng và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ để đảm bảo kiềm chế lạm phát, duy trì sự ổn định của tỷ giá và hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Ở ý kiến khác, đáng chú ý là cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định các tổ chức tín dụng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống 2% thay vì 3% như hiện nay, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế hiện hành không quy định cụ thể chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng. Bởi lẽ các tổ chức tín dụng khác nhau có khả năng huy động vốn, kinh doanh, năng lực quản trị là khác nhau, việc quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng nhỏ.

Mặt khác, nếu quy định chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở một mức cố định, chẳng hạn 2%/năm thì các tổ chức tín dụng vẫn có thể tăng lãi suất huy động, theo đó tăng lãi suất cho vay mà không bị vi phạm nội quy, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khăn cho doanh nghiệp.

“Thực tế từ đầu năm 2012 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh và mạnh hơn so với mặt bằng lãi suất huy động khiến cho chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của các tổ chức tín dụng ngày càng thu hẹp, cho thấy hệ thống ngân hàng đã tích cực trong việc chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước tự đánh giá.

Dù đã nhiều lần đề cập đến, song có ý kiến cử tri vẫn tiếp tục đề nghị xem xét áp một trần lãi suất cho vay, 10%/năm thời điểm này, cho cả người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định, ngoài các nhóm ưu tiên, sẽ không quy định trần lãi suất cho vay chung vì sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng, không phân biệt được đối tượng cần ưu tiên khuyến khích với các đối tượng khác, trong khi đó có các đối tượng cần khuyến khích thì cần phải có mức lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực không khuyến khích.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.