Dù gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng được kéo dài tới 31/12/2016 nhưng nhiều người mua nhà vẫn đang lo lắng về tiến độ dự án. Nếu chủ đầu tư không triển khai kịp, người vay rơi vào tình thế khó khăn vì không biết bấu víu vào đâu.

Người mua hoang mang

Gói 30.000 tỷ đồng tiếp tục giải ngân với các hợp đồng ký trước 31/3 cho tới hết năm nay khiến người thu nhập thấp mua nhà phần nào thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, để có nhà thì phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của chủ đầu tư.

Cuối tháng 2/2016, chị Nguyễn Như Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà thu nhập thấp tại dự án tại Hà Đông. Tổng số tiền chị vay gần 700 triệu đồng. Tới thời điểm này số tiền giải ngân mới đạt 50%. Nguyên nhân chính từ phía chủ đầu tư chậm xây dựng.

Chị chia sẻ: “Mình vay gói ưu đãi này thủ tục đã rất vất vả, nếu phải gặp thêm việc lãi suất thỏa thuận sau gói 30.000 tỷ đồng kết thúc sẽ khiến chi phí tăng cao”.

Giải ngân phụ thuộc nhiều vào tiến độ dự án

Chị Quỳnh lo lắng, nếu không được giải ngân thì người vay sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn vì khó tìm được nguồn vốn vay thay thế; nếu chuyển sang vay theo phương thức thương mại thì lãi suất vay có thể tăng gấp đôi; nếu vay ngoài xã hội thì lãi suất còn cao gấp nhiều lần. Lãi suất thông thường cho vay của các ngân hàng vào khoảng 6,5% cho năm đầu tiên và các năm sau đó tính theo lãi suất huy động 13 tháng + 3,5%.

Theo Luật Kinh doanh bất động sản, sau khi nhận nhà thì người mua phải thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng; 5% còn lại chỉ thanh toán sau khi người mua nhà nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Do vậy, nếu kết thúc giải ngân vào ngày 31/12/2016 thì không phù hợp với thực tế vận hành của thị trường bất động sản và chưa đảm bảo được quyền lợi của người vay gói tín dụng ưu đãi.

Đại diện chủ đầu tư tại Hoài Đức có căn hộ được vay gói ưu đãi này chia sẻ: Chủ đầu tư sẽ huy động mọi nguồn lực để hoàn thành việc xây thô. Tuy nhiên bàn giao nhà trong năm nay thì khó có thể thực hiện được.

Ông Phạm Minh Tuấn, phó giám đốc một công ty Hải Phát cho hay, dù gói tín dụng có gia hạn nhưng dự án của chủ đầu tư này vẫn không được hưởng bởi mở bán sau thời điểm 31/3. Tất cả các hợp đồng đều không được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng này. Phía chủ đầu tư đang trông chờ vào một gói vay mới theo thông tin từ phía Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Trông chờ cái kết có hậu

GS. TS Đặng Hùng Võ cho biết, việc kết thúc gói 30.000 tỷ chắc chắn sẽ tác động đến nhà ở xã hội giá rẻ, tác động vào tâm lý của người có thu nhập thấp đã mua nhà hoặc chuẩn bị mua nhà; tạo ra những dư luận không tốt về cách kết thúc một chính sách.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, thực chất gói 30.000 tỷ thực hiện khá chậm trong năm đầu tiên. Lý do không phải vì những người thu nhập thấp mà vì ngân hàng thương mại chưa quen cho người nghèo vay tiền. Sau đó 1 năm rưỡi, Thông tư 11 được sửa đổi, nới rộng đối tượng vay tiền. Như vậy một nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ bắt đầu từ cuối năm 2014 chứ không phải hưởng toàn bộ 3 năm. Không phải ai cũng có thời hạn 3 năm để hưởng được ưu đãi này vì thế nên để cho nhóm này có một thời gian dài hơn, ít nhất là 1 năm để họ có thể thụ hưởng chính sách tốt đẹp đó.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tác động tích cực tới thị trường

Đánh giá của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, đề xuất nêu trên của Ngân hàng Nhà nước rất tích cực, nhưng đối chiếu với tình hình thực tế thì chưa đầy đủ và chưa giải quyết được hết các nhu cầu chính đáng của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội kiến nghị, cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng (không giới hạn đến ngày 31/12/2016 như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước).

Đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016.

“Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này; và trên thực tế theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì cho đến ngày 10/05/2016 các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên. Do vậy, Hiệp hội kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến đề xuất của Hiệp hội để giải quyết có lý có tình và người vay gói tín dụng ưu đãi yên tâm”, ông Châu nói.

Duy Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.