Vừa qua, TPHCM đã thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án không hiệu quả và làm sao sử dụng hiệu quả các dự án này sau khi thu hồi.
  • Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Dự án chưa cần thiết: Dừng!

Hiện nay, TPHCM đang tồn kho hàng chục ngàn căn hộ, nền đất làm nhà phố, nhà vườn và biệt thự. Trong bối cảnh này, buộc nhà đầu tư dồn lực để làm thêm nhà, đất nữa thì không chỉ chủ đầu tư gặp khó mà xã hội cũng lãng phí một nguồn tiền không nhỏ vào một nơi mà khả năng sinh lợi kém. Chưa kể, có không ít dự án được chấp thuận từ cả chục năm trước khi đồ án quy hoạch chung của thành phố và một số quận, huyện chưa cập nhật đầy đủ tình trạng biến đổi khí hậu. Bây giờ, ráp nối với các thông tin về biến đổi khí hậu, thấy rằng việc triển khai dự án sẽ gặp nhiều rủi ro, chi phí cao mà vẫn cho tiếp tục triển khai là điều không nên. Bởi lẽ điều này không chỉ ảnh hưởng đến dự án mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững chung của thành phố. TPHCM cũng nên để dành đất cho tương lai. Do đó, dự án nào thực sự cần thiết thì cho thực hiện ngay; dự án nào chưa cần thiết, tạm thời yêu cầu dừng. Đất đai là tài sản hữu hạn, do vậy phải được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

  • Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM: Lập hội đồng đánh giá dự án

TPHCM nên lập một hội đồng bao gồm các cơ quan, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực: tài chính, địa ốc, quy hoạch, thuế… Với cái nhìn từ nhiều góc độ, hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm với UBND TPHCM rà soát, đánh giá lại từng dự án. Dự án nào chậm triển khai và dù mới đền bù, giải phóng mặt bằng chưa tới 50% nhưng xét thấy nếu cho tiếp tục triển khai sẽ mang lại hiệu quả lớn cho xã hội thì hội đồng sẽ đề xuất các sở, ngành chức năng hỗ trợ để tiến độ dự án được đẩy lên. Còn dự án nào đã giải phóng mặt bằng được một diện tích lớn nhưng xét thấy chưa cần thiết cũng nên cho ngưng. Thị trường địa ốc đang đóng băng, khối lượng nhà, đất trong các dự án đang tồn kho rất nhiều nên việc cho phép và thúc đẩy các dự án chưa thực sự cần thiết cho xã hội, chỉ làm lượng nhà, đất tồn kho tăng lên.

  • Tiến sĩ Võ Kim Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM: Hài hòa lợi ích

Có một nguyên tắc quan trọng trong phát triển đô thị là phải cân đối được lợi ích của tất cả các bên liên quan: người dân, nhà nước và chủ đầu tư thì mới không phát sinh những hệ lụy. Để thực hiện nguyên tắc này, các sở ngành chức năng của thành phố nên có nghiên cứu, phân tích, đánh giá lại từng dự án. Việc này có thể mất rất nhiều thời gian nhưng đây là việc cần làm để không chỉ an dân, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội mà còn để doanh nghiệp - chủ đầu tư các dự án có cơ hội trình bày những khó khăn của mình. Gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp giúp nền kinh tế của chúng ta vượt qua khó khăn hiện nay.

  • Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban MTTQ TPHCM: Nhà nước nên mua một số dự án

Trong bối cảnh thị trường địa ốc còn tồn kho nhiều như hiện nay, nhà nước nên thương thảo, mua lại phần đất đã được giải phóng mặt bằng của các chủ đầu tư. Nhà nước đang cần đất công để phát triển các công trình công cộng phục vụ người dân. Về phía chủ đầu tư các dự án địa ốc, nhiều người rất mong muốn bán được đất và thu hồi vốn. Đó cũng là cách thu hồi các dự án chậm triển khai, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của thành phố.

Nguyễn Khoa (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.