Khi công tác bồi thường, tái định cư (TĐC) chưa thỏa đáng thì UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã vội vàng thu hồi đất của hơn 200 hộ dân ở xã Mỹ Hiệp để làm cụm công nghiệp (CCN) Mỹ Hiệp. Sau gần sáu năm quy hoạch, CCN Mỹ Hiệp chỉ có ba công ty nhỏ hoạt động, người dân thì “sống mòn” khi hàng chục hécta đất tốt trồng cây ăn quả của họ bị “ngâm” một cách phung phí.

Bà con ở ấp 2, xã Mỹ Hiệp kiến nghị: “Nhà đầu tư cần thương lượng và hỗ trợ thêm những thiệt hại cho dân”

"Dựng" người đại diện cho dân

Ngày 2-5-2007, UBND huyện Cao Lãnh có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp xin lập quy hoạch chi tiết CCN Mỹ Hiệp với tổng diện tích 65,446 hécta, được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn một có 66 hộ ở ấp 1 (xã Mỹ Hiệp) bị ảnh hưởng, diện tích 14,55 hécta. Giai đoạn hai có 159 hộ ở ấp 2 (xã Mỹ Hiệp) bị ảnh hưởng, diện tích 50,889 hécta, thời gian thực hiện từ năm 2007 - 2008. Vốn bồi thường cho dân được lấy từ ngân sách của huyện Cao Lãnh - nguồn vốn này có nguồn gốc từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Các hạng mục khác do đơn vị đầu tư thực hiện.

Ngày 10-5-2007, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn 186/UBND-XDCB đồng ý cho UBND huyện Cao Lãnh quy hoạch CCN Mỹ Hiệp. Công văn của tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo: “Nghiên cứu đầy đủ các khu chức năng như xử lý chất thải, dịch vụ - thương mại, nhà ở cho người dân... đảm bảo sự phát triển ổn định. Giữ lại hiện trạng các khu vực đông dân cư, tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hạn chế xáo trộn đến đời sống người dân. Cần nghiên cứu đưa ra nhiều phương án để người dân có điều kiện chọn lựa. Tổ chức thực hiện chặt chẽ công tác lấy ý kiến của người dân trong khu vực quy hoạch, thể hiện các ý kiến đóng góp vào quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong công tác triển khai thực hiện sau này. Tổ chức công bố quy hoạch sau khi thực hiện. Đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để tăng tính khả thi của đồ án quy hoạch”.

Chỉ đạo là vậy nhưng việc lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng CCN Mỹ Hiệp của UBND huyện Cao Lãnh chẳng giống ai. “Cán bộ huyện mời chúng tôi họp qua loa để công bố giá bồi thường. Tùy theo loại, vị trí đất của dân, huyện Cao Lãnh đưa ra ba mức giá lần lượt: 65 triệu đồng, 72 triệu đồng, 84 triệu đồng/công đất (một công đất tương đương 1.000m2 - N.V). Bồi thường như vậy là quá “bèo”. Đất nơi chúng tôi sống là đất bồi phù sa loại tốt. Mỗi năm, chúng tôi trồng cây ăn trái thu hoạch ít nhất 50 triệu đồng/công. Vậy mà cán bộ huyện nói “giá bồi thường như vậy là cao”. Hàng năm chúng tôi mất đi nguồn thu nhập rất lớn trên mỗi công đất, với số tiền bồi thường này, chúng tôi đố cán bộ huyện đi mua được một công đất ở vùng sâu chứ đừng nói chi mua ở đây. Như vậy, họ nói cao hơn là cao hơn ở chỗ nào?”, ông Nguyễn Văn Chứng (SN 1943, ngụ tổ 4, ấp 1, xã Mỹ Hiệp) bất bình nói. Không đồng ý với giá bồi thường, ngày 15-9-2007, người dân bị mất đất đề nghị UBND huyện Cao Lãnh “xem xét lại giá bồi thường, cho biết thời gian GPMB và thời gian kết thúc để nhân dân biết mà đầu tư vụ mùa”, nhưng không được UBND huyện Cao Lãnh đồng ý.

Khoảng tháng 3-2008, UBND huyện Cao Lãnh tiến hành bồi thường, hỗ trợ TĐC giai đoạn hai. Mặc dù hai giai đoạn thực hiện vào hai thời điểm khác nhau, nhưng giá bồi thường ở giai đoạn hai không tăng so với giai đoạn một. “Khi xây dựng CCN Mỹ Hiệp, huyện có mời chúng tôi đến để nói về làm công nghiệp gì gì đó. Mời hôm trước thì hôm sau họp. Trong cuộc họp, huyện trưng ra một tờ giấy rộng hơn 1m2 nói: “Đây là bản đồ quy hoạch CCN Mỹ Hiệp”. Họp xong, cán bộ huyện cuốn bản đồ mang về. Xây dựng một con đường, một khu chợ cũng cần có bản đồ quy hoạch, nói chi đến một CCN, nhưng hơn năm nay, huyện có trưng bản đồ, bản vẽ như một số CCN khác đâu? Điều lạ lùng là, khi thực hiện giai đoạn hai, huyện Cao Lãnh không lấy ý kiến của dân nhưng biên bản họp thông báo phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC lại ghi tên ông Lê Văn Đức, đại diện hộ bị thu hồi đất, là ủy viên Hội đồng bồi thường? Ông Đức có hộ khẩu thường trú ở ấp 1 (xã Mỹ Hiệp). Ông ta không được chúng tôi bầu ra, lại không có đất ở ấp 2, vậy ông ta lấy tư cách gì để đại diện cho chúng tôi? Việc UBND huyện Cao Lãnh “dựng” ông Đức làm đại diện cho dân bị thu hồi đất là hết sức vô lý”, ông Võ Văn Lộc (SN 1964, ngụ tổ 10, ấp 1, xã Mỹ Hiệp) bức xúc.

Cách tính giá "lạ lùng"

Không chỉ giá bồi thường thấp, “dựng” người đại diện cho dân, cách tính giá đất và giá bán nền TĐC của UBND huyện Cao Lãnh cũng rất lạ. Theo phương án bồi thường TĐC của huyện Cao Lãnh, tùy theo vị trí, diện tích, các hộ bị thu hồi đất được mua và mua thêm từ một đến ba nền TĐC. Giá mỗi nền TĐC là 30 triệu đồng/81m2, giá nền mua thêm để ở là 70 triệu đồng/72m2. “Ngoài giá đất thực tế, UBND huyện Cao Lãnh nói sẽ “hỗ trợ thêm 20% tiền trượt giá, nhưng người nào nhận mua thêm nền trong khu TĐC để ở thì không những không nhận được 20% tiền hỗ trợ giá mà đôi khi còn bị âm”, ông Nguyễn Bé Ba (SN 1952, ngụ tổ 4, ấp 1, xã Mỹ Hiệp) cho biết.

Ông Ba dẫn chứng: “Gia đình tôi được trả tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án CCN Mỹ Hiệp là gần 677 triệu đồng. Tôi được hỗ trợ thêm 20% tiền trượt giá đất, tương đương hơn 52,3 triệu đồng. Tôi được mua một nền TĐC tại khu TĐC Mỹ Hiệp, giá 30 triệu đồng và mua thêm hai nền để ở, giá 70 triệu đồng/nền. Vì tôi mua thêm hai nền để ở nên không nhận được 20% tiền trượt giá. Chúng tôi thắc mắc thì cán bộ huyện giải thích: “20% tiền hỗ trợ trượt giá sẽ được trừ vào 20% tiền mua nền nhà thêm trong khu TĐC”. Việc khấu trừ như vậy khiến chúng tôi bị thiệt thòi rất lớn. Bởi, 20%/nền mua thêm mới có 14 triệu đồng, trong khi 20% của tiền trượt giá là 52,3 triệu đồng. Như vậy, với việc mua thêm hai nền nhà, gia đình tôi mất 24,3 triệu đồng”.

Tương tự, với việc mua thêm một nền TĐC, ông Nguyễn Văn Thành bị mất 10,6 triệu đồng, ông Chứng bị mất gần 13 triệu đồng nếu mua thêm hai nền TĐC. Hộ có nhiều đất, nếu mua thêm nền để ở thì thiệt thòi càng cao. “Chúng tôi khiếu nại thì UBND huyện Cao Lãnh ra quyết định bác bỏ. Ủy ban huyện là đơn vị lập quy hoạch, bồi thường và giải quyết khiếu nại của dân, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, chúng tôi thấy có sự không hợp lý trong quy hoạch, giải quyết khiếu nại tại CCN Mỹ Hiệp”, ông Ba bức xúc.

Mang tiếng là quy hoạch CCN nhưng gần sáu năm qua, CCN Mỹ Hiệp chỉ có ba công ty hoạt động cầm chừng, đa số diện tích đất còn lại để cỏ mọc um tùm. “Thu hồi đất của dân xong, UBND huyện Cao Lãnh bơm cát làm mặt bằng, ước tính tiền bơm cát san lấp một công đất từ 20 triệu đến 25 triệu đồng, sau đó họ phân lô bán nền. Trong khi họ bồi thường cho bà con giá 94 ngàn đồng/m2 thì bơm cát làm mặt bằng xong, chúng tôi hỏi mua đất cho người thân, họ “hét” giá 374 ngàn đồng/m2, làm công nghiệp đâu chưa thấy nhưng đã thấy có dấu hiệu kinh doanh siêu lợi nhuận ở CCN này”, ông Lộc cho biết.

Với việc bồi thường giá thấp, thời gian TĐC cho bà con quá lâu, người dân có đất bị ảnh hưởng bởi CCN Mỹ Hiệp kiến nghị: “Cho dù ai làm chủ đầu tư, lập quy hoạch đi nữa thì CCN Mỹ Hiệp đều có mục đích làm kinh tế chứ không phải dự án công cộng, an ninh quốc phòng. Do đó, theo quy định của pháp luật, chúng tôi đề nghị nhà đầu tư phải thương lượng với dân để có đất làm dự án. Đây là dự án bị “ngâm” nhiều năm, gây nhiều thiệt hại cho người dân, nên chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư hỗ trợ thêm sự thiệt thòi trong thời gian quy hoạch “treo””.

Hải Văn - Khánh Thiên (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.