Kết cấu hạ tầng (KCHT) là một loại hình BĐS đặc thù, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Việt Nam đã chuyển từ một đất nước chậm phát triển sang một trong số những quốc gia đang phát triển nên Nhà nước đã hết sức chú trọng đầu tư, phát triển KCHT. Trong 10 năm qua, bình quân hàng năm tổng mức đầu tư KCHT nước ta chiếm hơn 10% GDP. Chính vì vậy xây dựng hệ thống KCHT đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của nước ta.


Quy hoạch Phát triển kết cấu hạ tầng Việt Nam: Đi trước chưa đủ “một bước”
Cầu vượt Ngã Tư Sở.


Tuy nhiên, sự phát triển KCHT ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Đơn cử như tại các TP lớn như Hà Nội, Sài Gòn, các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước… hệ thống KCHT đô thị không đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Giao thông đô thị thường xuyên xảy ra ùn tắc, ngập úng, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tại Hà Nội, nhiều gia đình vẫn phải sống chung với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt như tại xã Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Xuân La, Phú Thượng (Q.Tây Hồ), Tứ Liên, Phúc Xá (Q.Ba Đình), P.Vĩnh Trung (Q.Hoàng Mai)… Sự yếu kém này còn thể hiện rõ ràng hơn ở khu vực nông thôn và miền núi.


Thực tế công tác lập và thực hiện quy hoạch chuyên ngành đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Các quy hoạch thường xuyên phải điều chỉnh, thực hiện chậm tiến độ hay chưa phù hợp với quy hoạch chung. Đặc biệt, sự liên kết giữa các vùng, tỉnh trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung những công trình như nhà máy nước, khu xử lý chất thải, cảng sông, cảng biển… chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam: “Hiện nay, nước ta mới chỉ có các quy hoạch cho từng loại hình KCHT riêng rẽ như các quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, cấp điện, thủy lợi, các KCN, KKT cửa khẩu, sân gôn, các quy hoạch KCHT thương mại các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam mà thiếu quy hoạch tổng hợp cho hệ thống hạ tầng quốc gia để thích hợp mọi loại hình KCHT”. Vì vậy theo TS Phạm Sỹ Liêm, Chính phủ nên lập và hoàn thành quy hoạch lãnh thổ Việt Nam vào giữa năm 2012, trong đó bao gồm cả quy hoạch tổng hợp hệ thống KCHT cả nước và từng vùng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giao thông, thủy điện, thủy lợi. Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) thì cho rằng: Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có định hướng chuyên về hạ tầng kỹ thuật như định hướng về cấp nước, thoát nước, chiến lược quản lý chất thải rắn, chương trình về chống thất thoát, thất thu nước, chương trình về xử lý, định hướng về phát triển giao thông; định hướng phát triển đô thị Việt Nam, trong đó có phần hạ tầng kỹ thuật. Chúng ta đã có từng quy hoạch chứ không phải là một định hướng chung chung về KCHT. Bây giờ chỉ còn tổ chức thực hiện thôi nhưng lại thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu từ huy động vốn, cơ chế chính sách để huy động vốn… Vì vậy, cần huy động tích cực và đa dạng các nguồn vốn đầu tư và mở rộng phạm vi cho công tác xã hội hóa đầu tư phát triển KCHT.


Đổi mới quy hoạch và đầu tư xây dựng một hệ thống KCHT phát triển đồng bộ và hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống và thu hẹp dần những khoảng cách đang ngày một gia tăng giữa các vùng miền trong cả nước.


Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, từ nay đến năm 2020 nhu cầu đầu tư hệ thống KCHT của Việt Nam cần khoảng 150 - 160 tỷ USD. Trong đó ngành điện cần 40 tỷ, đường bộ 53 tỷ, đường sắt 3 tỷ, chưa kể đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, cảng biển 25 tỷ USD.

Theo Tuệ Lâm (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.