Một công trình xây dựng không phù hợp với sự phát triển của đô thị sẽ gây tổn thất về kinh tế lớn, nhưng gây tổn thất về niềm tin còn lớn hơn.

Cách đây ít lâu, có một câu nói của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội về việc đường Trường Chinh bị nắn cong đã trở thành “khẩu ngữ” của nhiều người: “Đường Trường Chinh cong mềm mại”. Mới đây, tại Hà Nội lại xuất hiện một con đường khác bị nắn “cong mềm mại”: đó là con đường nằm trên địa bàn quận Long Biên. Vì sao những con đường bị nắn “cong mềm mại” xuất hiện như vậy? Liệu có phải do quy hoạch đô thị “có vấn đề” hay không?

Giải thích cho việc đường bị nắn cong, chính quyền quận Long Biên cho rằng: quy hoạch ban đầu như vậy, và việc nắn cong như vậy để đảm bảo an ninh quốc phòng vì con đường chạy gần một trường tập bắn của quân đội... Cứ mặc định coi đó là lý do chính xác, thì theo trả lời của Bộ Quốc phòng, con đường chạy cách khu vực quân sự 300m nên đương nhiên là không ảnh hưởng gì. Còn việc nắn đường theo quy hoạch lại càng lạ lùng hơn, khi mà quy hoạch nếu được vẽ ra từ nhiều năm trước thì không thể phát sinh những công trình khiến con đường bị bẻ cong như vậy.


Đường Trường Chinh, Hà Nội được mở rộng nhưng đang trong quá trình thi công thì vướng mắc khiếu kiện vì bị uốn cong (Ảnh: Quang Trung)

“Cong mềm mại” như đường Trường Chinh hay đường Bồ Đề thì không nhiều, nhưng ở hầu hết các đô thị, tình trạng đường bị “thắt cổ chai” gây mất mỹ quan, cản trở giao thông thì chẳng hiếm. Cũng tại Hà Nội, từ hơn 20 năm nay, căn nhà số 27 Tôn Đức Thắng vẫn tồn tại sát mép đường, chiếm toàn bộ phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Cho đến tận bây giờ cũng chẳng ai biết rõ lý do vì sao căn nhà tồn tại một cách vô lý như vậy cũng như cách thức nào để xóa bỏ sự vô lý này.

Còn ở TP HCM, những con đường chờ lún, những khu dân cư bị úng ngập bởi triều cường cứ tồn tại mãi như một phần của đô thị hiện đại bậc nhất cả nước.

Lý giải cho việc tồn tại những con đường bị nắn “cong mềm mại”, bị “thắt cổ chai”, bị úng ngập, bị “chờ lún”, bị nuốt vỉa hè… ở đô thị, người ta thường lôi ra một thủ phạm, là do “lịch sử để lại”, quy hoạch lạc hậu… Thế nhưng, qua bao nhiêu lần quy hoạch, bao nhiêu lần sửa đổi, kiểm tra, rà soát, những công trình như vậy vẫn tồn tại và cư dân đô thị buộc phải chấp nhận như một sự đã rồi. Vậy lỗi là do quy hoạch hay do người thực hiện quy hoạch? Quy hoạch là do con người vạch ra, vậy có lý gì để con người không thể thực hiện việc thay đổi nó nếu có bất cập, không phù hợp với đời sống dân sinh hoặc sự phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương?

Trên thực tế, Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 nêu rõ: “Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn”. Khoản 4 Điều này cũng quy định: “Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố tác động đến quá trình phát triển đô thị, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị quyết định việc điều chỉnh quy hoạch đô thị”. Như vậy, các quy định của pháp luật đều rất “mở” cho việc điều chỉnh quy hoạch nếu như không phù hợp với quá trình phát triển đô thị.

Bởi vậy, xin đừng đổ lỗi cho những quy hoạch cũ khiến cho bộ mặt đô thị lem nhem, không xứng với tầm vóc phát triển của đô thị đó. Một công trình xây dựng không phù hợp với sự phát triển của đô thị sẽ gây tổn thất về kinh tế lớn, nhưng gây tổn thất về niềm tin còn lớn hơn. Chính quyền mỗi đô thị cần xác định vai trò của mình và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện không tốt việc xây dựng quy hoạch và triển khai quy hoạch tại đô thị của mình./.

Thu Thùy (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.