Hàng loạt nhà cao tầng xây dựng sai phép được nêu ra trong Hội nghị giao ban quý II năm 2012, ngày 26-6, của TP Hà Nội như một lời nhắn, gửi các cơ quan chức năng cần kiên quyết thực hiện minh bạch thông tin.

Nhiều nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra: do công tác quản lý lỏng lẻo, mức xử phạt quá thấp và không loại trừ khả năng có sự tha hóa của một bộ phận cán bộ có chức trách liên quan. Có lẽ vì thế, trên địa bàn thành phố có hơn 1.700 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ðiển hình cho tính chất phức tạp trong vi phạm là công trình 55A, 55B, 53D Bà Triệu. Nhưng hình như chưa có ý kiến nào chỉ ra căn nguyên của tình trạng vi phạm ấy là do thiếu sự minh bạch về thông tin quy hoạch. Khu vực những tuyến phố, con đường đã có chỉ giới xây dựng, chiều cao công trình... vẫn chưa được công bố công khai rộng rãi. Thế nên, câu chuyện xin phép nâng tầng vẫn xảy ra. Cùng với đó, do người dân thiếu thông tin cho nên không có sự giám sát của cộng đồng. Hậu quả, công trình vi phạm ngày một nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, các cơ quan tham mưu lại đưa ra phương án xử lý vừa chậm, vừa nửa vời. "Cắt ngọn" hay "phạt cho tồn tại" là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Dư luận cần một cái kết bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi.

Cũng liên quan đến sự thiếu minh bạch thông tin trong quy hoạch. Trước đó, đầu tháng 6-2012, dư luận xôn xao khi Công ty Lương thực cấp I Lương Yên đề nghị chấm dứt hoạt động Bến xe Lương Yên từ ngày 1-7-2012, để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà cao tầng. Vì theo quy hoạch đã được TP Hà Nội phê duyệt, nền đất của bến xe này được chia làm ba phần: 14.228 m2 của khu đất sẽ được đầu tư xây dựng thành khu đô thị hỗn hợp, 5.576 m2 được quy hoạch thành bãi đỗ xe cao tầng; 2.500 m2 dành cho việc xây dựng trường học. Tuy nhiên, ngày 20-6, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, rằng, chưa thể "xóa" Bến xe Lương Yên từ 1-7 và yêu cầu đơn vị chủ quản duy trì hoạt động của Bến xe khách Lương Yên đến khi có phương án thay thế. Theo Sở Giao thông vận tải, việc dừng hoạt động của bến xe khách cần có thời gian để cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục theo quy định, thông báo cho người dân biết để sắp xếp việc đi lại, các đơn vị vận tải điều chỉnh phương án hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện, Hà Nội còn thiếu bến xe, nhiều bến đang hoạt động đã ở ngưỡng quá tải. Việc dừng hoạt động Bến xe Lương Yên sẽ gia tăng áp lực cho hoạt động vận tải của Thủ đô.

Thực tế, Bến xe Lương Yên không phải là trường hợp đầu tiên được thành phố phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà cao tầng. Cuối năm 2009, toàn bộ xe khách ở Bến xe Hà Ðông được chuyển xuống Bến xe Yên Nghĩa, để lại diện tích hơn 10 nghìn m2 được chuyển mục đích sử dụng thành dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức giao thông cho rằng, việc di chuyển các Bến xe Mỹ Ðình, Lương Yên, Nước Ngầm, Giáp Bát ra ngoại thành là hợp lý để giải quyết bài toán giao thông cho thành phố. "Vấn đề đặt ra là, ta giải quyết bài toán giao thông thì lại đặt lời giải mắc mớ hơn, khi quyết định cho xây dựng nhà cao tầng ở chính mảnh đất đó. Vậy, áp lực giao thông liệu có giảm, hay tăng?" - một chuyên gia băn khoăn. Câu trả lời, chắc hẳn những nhà quản lý, quy hoạch biết cả.

Mặc dù hiện nay, thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài đánh giá, vẫn đang trong giai đoạn bùng nổ thị trường đất đai. Hà Nội, Ðà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là ba khu vực sôi động nhất. Nhưng những thông tin về quy hoạch đất đai còn rất hạn chế. Nếu không minh bạch thông tin quy hoạch, thì sẽ tạo ra những xung đột, phá vỡ đô thị phát triển theo hướng bền vững.

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.