Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 8, tổng giá trị tồn kho bất động sản trong cả nước tiếp tục giảm, còn khoảng trên 82 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư khoảng 17.228 căn, tương đương 26 ngàn tỷ đồng; nhà thấp tầng tồn gần 14 ngàn căn, tương đương hơn 23 tỷ đồng… Như vậy, tuy thị trường BĐS mặc có dấu hiệu giảm, song tỉ lệ tồn kho vẫn ở mức cao.
Trong khi thị thường đang thật sự cần kích cầu thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở tại Việt Nam với người nước ngoài. Theo đó, việc mua nhà ở chỉ áp dụng cho các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Thậm chí quy dịnh còn chỉ rõ, người nước ngoài chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ… Điều ngặt nghèo hơn, dự thảo Luật lại quy định điều kiện cá nhân nước ngoài "phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam”.
Những quy định trên ra đời với mong muốn chủ trương cho người nước ngoài mua nhà không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, điều kiện này vô hình chung làm mất tác dụng của chủ trương mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Quy định "phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại Việt Nam” chẳng khác nào quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào Việt Nam 6 tháng, 12 tháng trước đây.
Trước quy định khắt khe dành cho người nước ngoài khi sở hữu căn hộ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) khẳng định, nếu nới lỏng chủ trương cho người nước ngoài mua nhà sẽ phần nào giảm được sự ách tắc trên thị trường hiện nay. Lý giải lợi ích của việc chấp thuận cho người nước ngoài mua nhà thì theo ông Châu, việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở sẽ làm tăng tổng cầu cho thị trường BĐS, phần nào đó giảm tồn kho. Cho người nước ngoài mua nhà nghĩa là Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ. Đồng thời, gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động. "Việc người nước ngoài mua sở hữu nhà ở không tạo nên xáo trộng cho thị trường bất động sản, không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước”, ông Châu nhấn mạnh.
Giải thích thêm về chuyện có hay không thị trường sẽ có nhiều biến động khi xáo trộn cho người nước ngoài mua nhà, đặc biệt là chuyện dự án sẽ bị thâu tóm nhiều, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là ở việc người nước ngoài được mua bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu và tại những vùng hay khu vực nào. Đó là điều chúng ta không lo, mà phải thấy rằng đây là một động lực mạnh mẽ để thị trường phát triển đa dạng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, người nước ngoài được sở hữu nhà ở là một xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Hai dự thảo Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được điều chỉnh và hướng đến đối tượng là người nước ngoài. Nghĩa là, Luật đang và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài, chứ không chỉ dừng lại ở đối tượng là Việt kiều. Tới đây, người nước ngoài được phép vào Việt Nam thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (chung cư và nhà ở riêng lẻ) gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà được sở hữu, kể cả nhà trong khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Thanh Giang (Đại Đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.