Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có nhiều chợ được đầu tư tiền tỉ để xây dựng nhưng lại bị bỏ hoang mà chưa có hướng khắc phục hay chuyển đổi mục đích sử dụng, rất lãng phí.

Chợ tiền tỉ bỏ hoang

Ngược hơn trăm cây số từ TP. Đông Hà lên đến chợ trung tâm xã Thuận (chợ Thuận), thuộc huyện Hướng Hóa, chúng tôi không khỏi tiếc rẽ cho khu chợ quá hoang tàn. Đây là chợ hoành tráng được xây ở một xã nghèo vùng cao.

Chợ Thuận bề thế nhưng không một bóng người bán mua.

Chợ Thuận có diện tích 2.300 m2, xây dựng năm 2001 với vốn đầu tư 1,12 tỉ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ dành cho vùng đặc biệt khó khăn để phục vụ đồng bào 3 xã biên giới gồm xã Thuận, Hướng Lập và xã Thanh.

Nhưng từ đó đến nay, công trình được đầu tư bạc tỉ này lại bị bỏ hoang vì không có người buôn bán.

Được biết, năm 2008, UBND xã Thuận đã cho một hộ dân ở Hướng Hóa thuê để bán cà phê nhưng không lâu sau, hộ này đã trả mặt bằng.

Sau nhiều năm không sử dụng, không được duy tu sửa chữa, khu chợ bị xuống cấp trầm trọng, nền bị bong tróc, hệ thống dẫn nước, tường rào bị đổ sập, nứt nẻ…

Ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh cũng có một khu chợ được đầu tư tiền tỉ bị bỏ hoang nhiều năm nay, là chợ Gio Hải.

Chợ Gio Hải được UBND xã Gio Hải đầu tư xây dựng vào năm 2009, đến năm 2010 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, với kinh phí 1,9 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang.

Ngày chợ vừa hoàn thành, chính quyền nơi đây tin tưởng, chợ Gio Hải sẽ tấp nập người mua bán, không chỉ người dân xã Gio Hải mà còn thu hút tiểu thương các xã khác. Thế nhưng, sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, chợ cá Gio Hải nằm trong tình trạng không một bóng người.

Nghịch lý là ngay trước mặt chợ Gio Hải lại tấp nập kẻ bán người mua, tiểu thương ở đây dựng những căn lều tạm để trao đổi buôn bán, hầu như không thiếu mặt hàng gì.

Chợ Gio Hải xây lên rồi để đó, vì không có người bán mua.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Trả lời câu hỏi tại sao chợ xây ra mà không có người mua bán, bị bỏ hoang, ông Hồ Tà Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận lý giải, ngày chợ trung tâm xã Thuận hoàn thành, xã Thuận cho phép 24 hộ đấu giá mua lô, nhưng chỉ được 5 người mua, được một thời gian, do lượng khách hàng ít, không bán buôn gì được nên các hộ kinh doanh buộc phải đóng cửa.

Chợ không có khách là vì thói quen mua bán của người dân. Ở xã Thuận, có rất nhiều người chở hàng bằng xe máy đi rao bán tận nhà, dần dần người dân quen mua bán kiểu đó. Chỉ cần một cuộc điện thoại, cần hàng gì là có hàng đó.

“Xã đã nhiều lần vận động người dân vào chợ buôn bán nhưng chỉ được vài tháng, có khi vài tuần rồi lại bỏ đi vì không có khách. Xã đang có chủ trương tu bổ lại chợ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng không biết chuyển đổi sang làm cái gì và vốn tu bổ từ đâu” – ông Cô buồn bã.

Theo ông Cô, xã Thuận có 595 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu. Năm 2011, xã Thuận có chủ trương phát động xây dựng xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2013, xã Thuận đã chính thức trở thành xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nhưng, không biết với tình trạng chợ bỏ hoang như hiện nay thì đến khi nào xã Thuận mới hoàn thành trọng trách của mình.

Còn tại chợ Gio Hải, sau nhiều lần vận động, tiểu thương cũng vào chợ buôn bán nhưng chỉ được 3 hộ. Còn lại vẫn không chịu vào chợ, buôn bán ở bên ngoài.

Nguyên nhân được xác định là do chợ nằm cách xa đường, sức mua của người dân kém nên tiểu thương ở đây không vào chợ, vừa đỡ tốn tiền thuê chợ, vừa gần dân hơn.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị hiện có gần 40 chợ nông thôn, nhưng chỉ có 10 chợ đạt chuẩn về diện tích, công năng, môi trường, hiệu quả sử dụng...

Nhiều chợ ở khu vực nông thôn miền núi được đầu tư tiền tỉ nhưng bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hết công năng, gây lãng phí lớn.

Phương Ngọc (Báo Phụ nữ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: bo hoang, cho