Chính quyền liên tục thúc ép suốt 2 năm qua nhưng hàng trăm tiểu thương không chịu rời bỏ chợ Hải Hà cũ (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) để sang chợ mới vốn là tòa trung tâm thương mại. Với lý do làm quảng trường, chính quyền muốn mạnh tay giải tỏa nhưng tiểu thương quyết bám trụ bởi họ lo chợ mới không phù hợp và giá thuê cao.

Hàng trăm tiểu thương đã tập trung canh giữ chợ suốt đêm 25.6.

Tiếng loa phóng thanh oang oang phát đi thông báo của chính quyền yêu cầu tiểu thương phải di dời sang chợ mới dành đất làm quảng trường. Từ hôm 26.6, hạn chót cho chợ cũ chấm dứt hoạt động, các quầy đã bị cắt điện, ban quản lý chợ đã rút đi. Từ hôm 25.6 đến nay, đêm đêm người dân cùng nhau canh giữ chợ, ban ngày, họ vẫn duy trì hoạt động kinh doanh trong các gian kios mái tôn nóng hầm hập như lò bát quái, chỉ le lói chút ánh sáng đèn ắc quy. Tiểu thương vẫn quyết “cố thủ” không rời qua chợ mới.
“Sợ” trung tâm thương mại
Theo các tiểu thương, chợ mới vốn là dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ dân sinh và dân cư phía Nam của Công ty TNHH Đức Dương xây dựng từ năm 2010, hoàn thành năm 2011. Xây xong, trung tâm thương mại này bỏ không, tiểu thương ngỡ nó chẳng liên quan gì tới mình. Nhưng đùng một cái, tháng 6.2012, huyện cùng Công ty Đức Dương mời tiểu thương tới họp bàn dời chợ cũ qua đây.
Huyện thông báo thực hiện mô hình xã hội hóa quản lý chợ, từ tháng 5.2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho đổi tên Trung tâm thương mại (TTTM) thành chợ trung tâm Hải Hà mới, thay thế chợ truyền thống có hơn 600 quầy hàng, đã gắn bó với tiểu thương suốt 20 năm qua.
Cuộc họp bàn di chuyển chợ với sự tham gia của hơn 200 tiểu thương không đạt kết quả. Tiểu thương cho rằng từ năm 2008 Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội huyện Hải Hà đến năm 2010 định hướng đến 2020 đã xác định sẽ nâng cấp chợ trung tâm Hải Hà truyền thống chứ không dồn dân “cứu” TTTM ế ẩm này.
Theo quy định, khi xây chợ phải lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương mà TTTM này không làm việc đó, nó lại không phù hợp làm chợ truyền thống. Đã thế giá thuê quầy cao, khoảng 130 nghìn đồng/m2 trong khi chợ cũ chỉ khoảng 22 nghìn đồng/m2, sau này doanh nghiệp nâng giá thì tiểu thương… chết dở. Cuộc bàn thảo chuyển chợ kết thúc khi tiểu thương Lâm Thị Lượt bị một thanh niên, mà theo tiểu thương là bảo vệ của doanh nghiệp, bạt tai.
“Cuộc chiến” giằng giai
Sau cuộc đối thoại bất thành, tiểu thương liên tục kiến nghị huyện cho họ được buôn bán ở chợ cũ. Đáp lại, huyện chỉ đạo ban quản lý chợ không ký hợp đồng với tiểu thương. Ban tuyên giáo Huyện ủy ra văn bản nói nếu tiểu thương chợ cũ không đăng ký tại chợ mới là không còn muốn kinh doanh nữa. Cuối tháng 9.2012, hàng trăm tiểu thương kéo về tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh xin ở lại chợ cũ. Sau 2 ngày đêm, khi tỉnh chỉ đạo tạm dừng di dời, tiến hành thanh tra dự án TTTM, bà con mới trở về tạm yên tâm làm ăn.
Trung tâm thương mại chuyển thành chợ đìu hiu vì bị tiểu thương “chê”.
Nhưng hơn một năm sau, tối 25.10.2013, một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra thiêu rụi 180 quầy hàng ở khu C chợ cũ. Mọi người thấy đám cháy xuất phát từ 3 điểm, ngọn lửa từ dưới bốc lên rừng rực lan ra các quầy. Quá nửa đêm, xe cứu hỏa mới dập tắt được đám cháy nhưng toàn bộ 180 kios bán hàng trị giá cả chục tỉ đồng đã ra tro. Huyện nói bà con tự khắc phục, các tiểu thương lại vay giật sửa quầy lấy hàng về bán. Tiểu thương nghi ngờ có kẻ đốt chợ bởi đám cháy bắt đầu từ 19 giờ trong khi trước đó từ 18 giờ điện tại các quầy đã được cắt theo quy định nhưng huyện nguyên nhân cháy do chập điện.
Giữa tháng 12.2013, tại cuộc đối thoại với tiểu thương, ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ đạo huyện không được ép dân sang chợ mới mà phải để bà con tự nguyện, tiếp tục duy trì 2 chợ, ký hợp đồng tại chợ cũ cho tiểu thương. Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo giải quyết thỏa đáng kiến nghị của dân để ổn định tình hình. Ngược lại, từ giữa tháng 6 đến nay, huyện Hải Hà liên tục thông báo ép tiểu thương sang chợ mới với lý do giành đất làm quảng trường.
Vì sao TTTM biến thành chợ?
Ông Kim Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết huyện thực hiện phương án chuyển chợ theo chỉ đạo của tỉnh. Khu chợ cũ sẽ triển khai dự án quảng trường công viên cây xanh theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 6.2013. Ông Chiến thừa nhận từ năm 2008, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tổng thể huyện Hải Hà đã xác định nâng cấp chợ Hải Hà cũ mà bà con đang kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Chiến, quy hoạch có thể thay đổi.
Ông Võ Mạnh Quang, Phó giám đốc Công ty TNHH Đức Dương, cho biết từ năm 2010, khi triển khai dự án, tỉnh đã có chủ trương cho TTTM này thay thế chợ Hải Hà. Tuy nhiên, ông Vũ Kiên Cường, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định phải đến tháng 5.2012, sau khi công trình đã hoàn thành khá lâu nhưng không đáp ứng được tiêu chí của TTTM, căn cứ đề nghị của huyện, tỉnh mới đồng ý cho chuyển thành chợ trung tâm thay thế chợ cũ. Ông Cường cho hay chợ dân sinh trong dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ dân sinh và dân cư phía Nam của Công ty Đức Dương chỉ là chợ phục vụ cho khu dân cư của dự án.
Tuy nhiên, ông Cường lại cho rằng việc chuyển chợ là thực hiện theo quy hoạch chứ không phải là dồn dân để giải cứu công trình chết yểu của doanh nghiệp. Theo ông Cường, việc chuyển chợ không lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương là không đúng quy định. Tỉnh đã yêu cầu huyện làm lại bước này, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý.
Phúc Hà (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.