Sáng 22/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP với các sở, ngành để bàn về vấn đề nóng của Hà Nội hiện nay là quản lý đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn.
Đề dẫn tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo định hướng các đại biểu cần tập trung thảo luận về việc sửa đối Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 20/8/2010 ban hành quy định một số nội dung về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn TP (đến nay có một số điểm không còn phù hợp); để đưa ra một quy định hoàn chỉnh về đầu tư các dự án trên địa bàn TP. Quy định mới phải công khai hóa, trình tự thủ tục minh bạch, xiết chặt quản lý trong đầu tư xây dựng; Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật mới, cập nhật tình hình thực tế…

Chủ tịch cho biết, vừa qua, TP thực hiện thủ tục đầu tư một cửa nhưng thực tế phải qua nhiều cửa vì vẫn phải xin ý kiến thẩm định của rất nhiều sở ngành; gây chậm trễ. Chủ tịch hài hước nói “Làm một cửa nhưng có khóa bên dưới”. Theo đó, Chủ tịch cho rằng, mục đích của quy định mới phải xem xét lại tất cả các vấn đề như: thẩm định, quản lý giám sát, hiệu quả, khai thác sử dụng, hay cả đến các vấn đề an toàn trong xây dựng (khi có tai nạn chết người như ở Keangnam, các sở, ngành đổ hết trách nhiệm cho Keangnam là không đúng). Hoặc như, bấy lâu nay đầu tư nhà ở xã hội, chủ đầu tư xây có xác nhà bán trước đã, nhưng hạ tầng xã hội điện, nước… lại chưa có. Ngay cả việc quản lý dịch vụ tầng hầm như trông xe cũng phải quy định, tránh tình trạng mỗi nơi một giá như hiện nay. Một khu đô thị đầu tư 200- 300 ha, xây nhà bán với giá cắt cổ, nhưng đường đến dự án, chủ đầu tư lại kiến nghị đầu tư theo hình thức BT là không hợp lý; đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, đóng góp cho phát triển hạ tầng khung. Quy định mới phải quản lý chặt chẽ các vấn đề trên.


Chủ tịch cũng nêu về vấn đề xây dựng sát giá thị trường là như thế nào? Giá được xác định bằng phương thức như thế nào, thẩm quyền trách nhiệm là ai; phải chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề đầu tư xây dựng hiện nay. Biên soạn cẩm nang hướng dẫn, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng… để mỗi nhà đầu tư đến với Hà Nội đều thông hiểu rõ, là mong muốn của Chủ tịch.


Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư phản ảnh một vấn đề cụ thể là trong thời gian qua, TP HN kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học chất lượng cao, theo quy định hiện nay phải công bố tổ chức đấu thầu, làm họ nản lòng; mấy năm nay chưa đấu thầu được dự án nào. Quy định mới xem xét lại vấn đề này


Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhận định: Quyết định 37 trong thời gian đã giúp TP rất nhiều trong việc quản lý đầu tư, tuy nhiên trong việc thực hiện có một số vấn đề kênh với Luật Nhà ở, Nghị định 08, Thông tư 03, Nghị định 71… Với dự thảo lần này, Sở Xây dựng kiến nghị, bổ sung nguyên tắc đầu tư với công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội phải đi trước một bước và đồng bộ với dự án nhà ở và đô thị mới. Liên quan đến phần thẩm định dự án, trong dự thảo nêu Sở xây dựng thẩm định các dự án nhà ở nhưng phần hạ tầng kỹ thuật lại giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư là không hợp lý, nên giao về một đầu mối. Riêng với dự án phát triển nhà ở thương mại giao cho Sở Xây dựng thẩm định chọn nhà đầu tư..

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải phát biểu: Sở hoàn toàn thống nhất với những đề xuất sửa đổi Quyết định 37 của Sở Kế hoạch Đầu tư sau 1 năm thực hiện. Riêng về vấn đề đầu mối và quản lý đầu tư, ông Hùng kiến nghị nên thống nhất về Sở Kế hoạch Đầu tư.

Mặt khác, ông Đào Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP lại góp ý: Các quận, huyện hiện kêu thiếu các quy định đầu tư rất nhiều, nên bổ sung vào quy định mới. Ví như, bổ sung quy định những dự án nào cần phải chỉ giới đường đỏ, còn lại đất xen kẹt giao cho các quận, huyện thực hiện. Hiện rất nhiều dự án phải chờ xem xét chỉ giới đường đỏ làm chậm tiến độ. Về giám sát đầu tư xây dựng, ông Bình đề nghị quy định việc MTTQ được giám sát đầu tư cộng đồng. Sở Kế hoạch Đầu tư cùng MTTQ dự thảo quy chế giám sát đầu tư cộng đồng.


Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng góp ý trong quy định mới cần đưa thêm phần chế tài xử lý; ví như nhà đầu tư trúng thầu dự án, sau bao nhiêu thời gian sẽ thực hiện, trách nhiệm, chất lượng ở đâu, bị xử lý như thế nào… tránh tình trạng nhiều dự án đắp chiếu như hiện nay.


Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành, các Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh Sở Kế hoạch Đầu tư và các ngành đã đưa ra vấn đề nóng bỏng trong quản lý đầu tư xây dựng để bàn thảo. Tuy nhiên, những nội dung đưa ra trình TP lần này vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan, ban ngành, cần rút kinh nghiệm trong các cuộc họp sau. Quan điểm của Chủ tịch là thống nhất việc cần thiết ban hành văn bản pháp quy về một số quy định đầu tư quản lý xây dựng các dự án trên địa bàn TP; trong đó cả dự án ngân sách và ngoài ngân sách với các hình thức BT, BOT, PPP… để làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp và của TP khi làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, TP tăng cường quản lý đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả.


Chủ tịch cũng thống nhất một số quy định về quản lý đầu tư dự án trên địa bàn: thủ tục, trình tự, thẩm quyền, cơ chế trách nhiệm. Một số hình thức BT, BOT, văn bản nhà nước chưa quy định rõ nhưng TP vẫn phải thực hiện, vậy cũng cần có quy định về vấn đề này.


Bên cạnh đó, theo Chủ tịch, cơ quan Nhà nước không chỉ có trách nhiệm phê duyệt quyết định đầu tư mà phải giám sát sau đó. Rà soát thêm các đối tượng vốn ngân sách hay ngoài ngân sách, vốn nhân đạo… cần quản lý như thế nào? Hay như với các trường hợp cụ thể, tiền quyên góp hỗ trợ một thôn để làm đường, ai quản lý giám sát; cần MTTQ tham gia, quy định mới phải rất cụ thể. Mặt khác, hàng năm, các sở ngành căn cứ kế hoạch phát triển KTXH hàng năm xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư. Sở Kế hoạch Đầu tư tổng hợp tất cả các nhu cầu đầu tư, ban hành các danh mục cần đầu tư, trình Hội đồng nhân dân hàng năm chính là chủ trương đầu tư; cũng phải đưa vào quy định mới.


Chủ tịch nêu rõ, tránh trường hợp chưa thống nhất chủ trương đầu tư, các cơ quan đã giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư. Sở Quy hoạch Kiến trúc phải cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch. Sở Tài nguyên Môi trường cần thông tin về mặt đất đai theo quy hoạch, kế hoạch cân đối với các nguồn lực…Căn cứ vào kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 5 năm , UBND TP có thể phân cấp cho các sở, ngành quận huyện thực hiện. Ngoài ra, Chủ tịch yêu cầu trong quy định mới phải quy định trách nhiệm cho chủ đầu tư từ khi lập dự án, đóng góp vào xây dựng hạ tầng khung. Doanh nghiệp ngoài ngân sách phải quy định phần thẩm kế, thẩm toán, giám sát chất lượng, tiến độ an toàn; Quy định cơ quan nghiệm thu quyết toán với công trình BT, BOT. Quy định cũng phải nêu rõ vấn đề khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình ra sao. Với khu tái định cư, TP đang quy định để lại 2% nộp ngân sách để duy tu, bảo dưỡng là không đủ. Tới đây, các công, tập đoàn xây dựng khu đô thị nào, phải có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng khu đó, ngân sách nhà nước không thu phần đó…


Cuối cùng, Chủ tịch giao Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp trong buổi họp hôm nay để điều chỉnh lại dự thảo một số quy định về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn TP, trình lại UBND TP trong thời gian tới.
Theo Lan Hương (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.