CafeLand – Trong buổi “Tổng kết thi hành luật đất đai” tại Tp.HCM vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến quản lý của Nhà nước về đất đai, đền bù, giải tỏa, điều tiết thị trường đất đai,… đã được các đại biểu Tp.HCM, Đồng Nai mổ xẻ.

alt

Hiện nay, khái niệm về đất khai hoang, đất lấn chiếm trong quy định pháp luật... chưa rõ ràng. Ảnh: Nguồn internet

Theo đó, mục tiêu sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Mô hình quản lý đất đai hiện nay duy trì sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, kiến trúc, giao thông, đầu tư, tài chính... nhưng cơ chế phối hợp của những ngành này còn yếu, dẫn đến sử dụng đất đai không có hiệu quả, không tạo ra được điểm kết nối chung để làm gia tăng chất lượng môi trường đô thị.

Mặt khác, việc phân cấp quản lý theo các cấp hành chính quận, huyện, phường, xã như hiện nay cũng không hỗ trợ cho việc phát triển thành phố theo hướng hiện đại, trở thành các phân khu, thành phố vệ tinh, trái lại càng khiến quy hoạch sử dụng đất trở nên phân tán.

Việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại Tp.HCM cũng có độ vênh đáng kể, gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực hiện. Kế hoạch sử dụng đất được thiết kế theo nhu cầu phát triển của từng địa phương, không chú ý tới yếu tố tương lai như nguồn lực, biến đổi khí hậu, không có cơ chế để đảm bảo tiền sử dụng đất thu được sẽ được dùng cho các hoạt động phát triển đất đai như đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, không ổn định về giá đất đã dẫn tới việc ban hành mức giá để bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Khái niệm về đất khai hoang, đất lấn chiếm trong quy định pháp luật... chưa rõ ràng. Việc xác định thế nào là đất sử dụng ổn định vẫn còn nhiều lấn cấn, dẫn đến việc bồi thường, thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, trong buổi tọa đàm về pháp luật xây dựng do Bộ Tư pháp chủ trì tại Tp.HCM đã đặt ra các vấn đề tồn tại song song hai hệ thống quy định về nhà ở và đất đai đã dẫn đến nhiều lúng túng trong xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, “Muốn quản lý tốt thì pháp luật phải kín kẽ, chặt chẽ và nghiêm minh, hiện nay trong ngành xây dựng cả ba yếu tố này đều chưa đạt nên nhiều trường hợp xảy ra sai phạm trách nhiệm thuộc về ai không rõ ràng”.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhận xét: Sự tồn tại song song hai hệ thống pháp luật, một dành cho đất và một dành cho nhà đã dẫn tới nhiều bất cập trong quản lý và xử phạt vi phạm. “Điển hình như hành vi chuyển đổi trái phép đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, biểu hiện chủ yếu là có hành vi xây dựng. Vậy thì phạt hành vi xây dựng không phép theo quy định của ngành xây dựng hay vi phạm đất đai của ngành đất đai?”.

“Dự án giao cho chủ đầu tư nhưng họ không làm, để cỏ dại, ao tù, ô nhiễm môi trường thì phạt theo quy định nào?

Bà Dương Thị Thanh Mai, chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật hiện nay không đạt yêu cầu do tính thiếu chuyên nghiệp của người soạn thảo. “Sắp tới, phía Quốc hội sẽ tăng cường số đại biểu chuyên trách. Ngoài ra, cấp trung ương sẽ ban hành Bộ Pháp điển, các quy định sẽ được sắp xếp theo chủ đề để dễ tra cứu. Khi một văn bản được sửa đổi bổ sung sẽ có cơ quan hợp nhất các văn bản này thành một, không để cùng lúc có nhiều văn bản, rườm rà và dễ sót lọt khi áp dụng như vừa qua”.

Ngoài ra, bà Mai thông tin thêm là sắp tới sẽ có quy định yêu cầu các sở, ngành, tổng công ty phải thành lập phòng pháp chế để gác cửa, tham mưu về pháp luật.

tag: quan ly dat dai

Kim Chi (Tổng Hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland