Câu chuyện tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng và chủ đầu tư tại các tòa nhà chung cư có lẽ sẽ không bao giờ có lời giải thỏa đáng.

Việc tranh chấp, khiếu kiện của các cư dân sống trong các chung cư đang có xu hướng ngày một gia tăng.

Tại một cuộc hội thảo về chủ đề quản lý nhà cao tầng do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua, trong đó mục tiêu là tìm ra giải pháp cho các khiếu kiện, tranh chấp tại các tòa nhà cao tầng, chung cư đang có xu hướng ngày một gia tăng. Thế nhưng, mọi đề xuất đưa ra tại hội thảo dường như bị vô hiệu hóa bởi chính những xung đột về lợi ích của các bên liên quan.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tại các tòa nhà chung cư hiện nay thường có 3 hình thức quản lý: do nhà nước, do chủ đầu tư hoặc thành lập ban quản trị do các cư dân bầu ra.

Tuy nhiên, dù là hình thức nào thì mọi quy định, chế tài đi kèm với mỗi phương thức quản lý đều được soạn thảo theo hướng có lợi cho bên quản lý, vì thế những phản ứng ngược lại của các bên khác cũng là điều dễ hiểu.

Một hình thức thường được hầu hết các cư dân sống trong chung cư hiện nay ưu thích là thành lập ban quản trị do dân tự bầu ra để quản lý tòa nhà, thực hiện thu các khoản phí, lệ phí, tiền dịch vụ, bảo trì…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc lập các ban quản trị cũng không hề đơn giản, bởi trong số 350 tòa nhà cao tầng có dân sinh sống hiện nay trên địa bàn Hà Nội, thì mới chỉ có 26 tòa nhà có ban quản trị, số còn lại do chưa tìm được tiếng nói chung nên hiện vẫn do nhà nước quản lý hoặc doanh nghiệp thuê tư vấn.

Ngoài nguyên nhân do xung đột lợi ích nói trên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, có một số lý do trực tiếp khiến cho khiếu kiện, tranh chấp tại các chung cư hiện nay không ngừng gia tăng chính là “không quy định rõ, chi tiết trong hợp đồng mua bán căn hộ ngay từ đầu”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng, theo tâm lý chung của hầu hết cư dân sống chung cư thì phí dịch vụ phải căn cứ vào chất lượng của mỗi tòa nhà cụ thể, nói nôm na là “tiền nào của nấy”, nhưng hiện nay nhà nước lại đang tính chuyện có một quy định chung về phí quản lý cho tất cả các tòa nhà. Chính điều này đã sinh ra những sự so sánh, khiếu kiện giữa các cư dân của các tòa nhà không cùng chất lượng về dịch vụ và quản lý cũng như giữa cư dân với chủ đầu tư.

Trong khi đó, nhiều tòa nhà hiện nay lại được chủ đầu tư tính phí dịch vụ theo diện tích sử dụng hoặc theo nhân khẩu, lại càng gây ra các khiếu kiện giữa chính các hộ cư dân với nhau. Ngay chuyện thành lập ban quản trị tưởng chừng như “rất được lòng dân”, song trên thực tế ban quản trị lại rất “ẩm ương”, bởi nó hoàn toàn không có tính pháp lý, không có tư cách pháp nhân.

Do đó, tại nhiều tòa nhà, các cư dân dù không hề muốn chủ đầu tư đứng ra quản lý tòa nhà, nhưng cũng không đồng ý nộp các khoản tiền cho ban quản trị vì thiếu tin tưởng. Thực tế thì cũng đã có trường hợp ban quản trị của một tòa chung cư tại Tp.HCM “ôm” tiền thu được của các hộ dân rồi biến mất cách đây chưa lâu.

Còn với chủ đầu tư, hầu hết lại cho rằng, dù là người xây nhà bán cho các cư dân, chấp hành các quy định của nhà nước trong việc quản lý tòa nhà thì họ cũng bị cư dân ép trong hầu hết các điều khoản, đặc biệt là vấn đề thu phí.

Một đại diện của Tổng công ty Vinaconex cho hay, thực tế tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) hiện nay, Bộ Tài chính phê duyệt cho doanh nghiệp này được thu phí trông giữ xe ôtô tại khu đô thị này là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do cư dân phản đối nên chủ đầu tư quyết định hạ xuống còn 1 triệu đồng/tháng, nhưng mức đó các hộ dân vẫn không đồng ý. Rốt cục là ban quản lý tòa nhà phải thu 500 nghìn đồng/tháng đối với ôtô, còn xe máy là 35 nghìn đồng/tháng. Còn phí dịch vụ, từ năm 2009, doanh nghiệp này đã đưa ra mức 5.000 đồng/m2, đến năm 2011 thành phố Hà Nội quy định 4.000 đồng, nhưng rốt cục hiện nay chủ đầu tư chỉ thu được 1.200 đồng/m2.

“Thực tế thì vấn đề phí chung cư Chính phủ, thành phố Hà Nội và bản thân doanh nghiệp cũng đã có quy định, nhưng để dĩ hòa vi quý, chúng tôi đành phải theo quy định của dân”, đại diện Vinaconex cho hay.

Hơn nữa, theo vị này, chính vì thu phí thấp nên kết quả là thu nhập của hầu hết cán bộ, nhân viên công ty quản lý tòa nhà đều không đủ sống. Nhưng nếu thành lập ban quản trị tòa nhà để họ đứng ra lo mọi việc thì cũng không ổn vì thực tế ban quản trị thường là các “lão thành” về hưu, lại không có chuyên môn, không đánh giá được hiện trạng, từ đó cũng không thể đưa ra được các chi phí dự trù để đảm bảo quản lý tòa nhà.

Thế nhưng, với những cư dân, họ cho rằng, nguyên nhân chính gây ra khiếu kiện, tranh chấp hiện nay chủ yếu vẫn xuất phát từ chủ đầu tư. Một đại diện ban quản trị tòa nhà chung cư 19 Đại Từ (Hà Nội) cho hay, thực tế thì các quy định về quản lý chung cư hiện nay “không thiếu một điều gì”, thậm chí là quá nhiều, nhưng lại không có chế tài để thực hiện các quy định đó.

Hơn nữa, điều mà các cư dân mong muốn nhất chính là minh bạch các khoản thu, bởi hiện nay nhiều chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu này, trong khi họ lại muốn gắn trách nhiệm của mình với tòa nhà, nhưng nếu chẳng may công ty phá sản thì không biết ai sẽ đứng ra lo cho các hộ dân.

“Tôi thấy với cách làm việc hiện nay của các chủ đầu tư vô tình tự họ đã làm hại mình trong việc thu hút khách hàng trong tương lai. Nếu tôi bán được căn hộ chung cư đang ở thì sẽ không bao giờ mua lại nhà chung cư để ở”, vị này bức xúc.

Một số hộ dân sống tại tòa nhà 17T11 Trung Hòa – Nhân Chính cho biết, chất lượng tòa nhà này đang xuống cấp, trong khi chủ đầu tư hầu như không tiến hành bảo dưỡng, bảo trì tòa nhà. Các dịch vụ, kiến nghị của các cư dân tại đây đều không được chủ đầu tư đáp ứng.

Đáp lại những phản ánh trên, đại diện Vinaconex cho hay, 17T11 là tòa nhà thuộc diện tái định cư, nên chủ đầu tư không quản lý, còn lại các tòa nhà thương mại khác vẫn được doanh nghiệp này “chăm sóc” chu đáo.

Đại diện một số cơ quan, tổ chức có đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm thế giới trong quản lý tòa nhà với mong muốn sớm hóa giải được bài toán tranh chấp chung cư hiện nay. Thế nhưng, theo ông Phan Thành Mai, dù là mô hình nào, chế tài nào thì cũng đều khó lựa chọn vì luôn tồn tại mâu thuẫn lợi ích giữa cư dân và chủ đầu tư.

Theo Nguyên Trang (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.