Những vụ kiện cáo, bất đồng “nảy lửa” về tiến độ bàn giao, chất lượng nhà, về sự thiếu vắng của các công trình hạ tầng tại các khu đô thị mới (ĐTM)… xảy ra trong thời gian qua đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Không lẽ cơ quan chức năng không có biện pháp nào để quản lý việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư?
Hy vọng, với việc thực hiện nghiêm Quyết định số 26/2012 của UBND TP Hà Nội, về các điều lệ quản lý thực hiện các dự án, những bất đồng giữa cư dân và đơn vị quản lý được hóa giải.

Thiếu đầu mối quản lý

Theo Trưởng phòng Quản lý dự án Sở Xây dựng Hà Nội Đào Anh Tuấn, quyền lợi của người mua nhà tại các dự án không được đảm bảo là vấn đề mang tính xã hội, bởi dự án ngày càng nhiều và nguy cơ xảy ra tranh chấp sẽ ngày càng tăng. Không chỉ thiệt thòi vì dự án chậm tiến độ, ngay cả những dự án đã được bàn giao, người dân vẫn chịu thiệt bởi những hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt.

Theo quy định mới của TP Hà Nội, các chủ đầu tư chỉ được bàn giao nhà khi đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong ảnh: Tòa nhà đang xây dựng tại Khu ĐTM Mỗ Lao.Ảnh: Thanh Hải

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về việc rà soát thực hiện dự án và sử dụng nhà ở tại 18 dự án khu ĐTM trên địa bàn Hà Nội trong năm 2011, các dự án đều thực hiện chậm so với tiến độ đầu tư được phê duyệt 1 - 3 năm, cá biệt có dự án chậm tới 5 năm (Khu ĐTM Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh). Một số dự án chưa hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng, dù tiến độ dự án đã bị chậm nhiều năm so với quyết định phê duyệt như Khu ĐTM Mỗ Lao, Quang Minh 1 và Quang Minh 2. Có dự án đã bàn giao nhà và người dân đã về ở nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội như điện, nước, trạm y tế…

Vấn đề của các dự án khu ĐTM hiện nay là thiếu đầu mối quản lý. Chính quyền địa phương và ngay cả thanh tra chuyên ngành xây dựng đều chưa quan tâm đến mảng này vì yên tâm đã là dự án thì phải làm theo quy hoạch, yêu cầu quản lý. Vì thế mới có chuyện, dự án thay đổi quy hoạch không ai biết; huy động vốn trước khi đủ điều kiện không ai hay. Đến khi người dân khiếu kiện thì mọi việc đã trở nên phức tạp, rất khó xử lý. Nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chú làm nhà ở để bán còn các công trình hạ tầng lại phớt lờ, gây bức xúc cho người dân.

Gắn hạ tầng với điều kiện bàn giao nhà

Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, để thực hiện Quyết định 26/2012/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành "Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Điều lệ quản lý thực hiện dự án đối với dự án khu ĐTM, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội", có 17 thành phần nội dung mà chủ đầu tư sẽ phải báo cáo với Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã, theo định kỳ mỗi quý một lần. Đáng chú ý là, TP yêu cầu các chủ đầu tư sẽ không được bàn giao nhà ở cho người mua nhà khi chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (theo giai đoạn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi cho phép đầu tư dự án).

Thời gian tới, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng Điều lệ quản lý dự án sẽ bị xử phạt hành chính.Ảnh: Thanh Hải
Chủ đầu tư cấp một là đầu mối quản lý toàn bộ mặt bằng dự án, quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng, kinh doanh của các chủ đầu tư cấp hai. Chủ đầu tư cấp một phải báo cáo đầy đủ, toàn diện tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng khu ĐTM; nêu cụ thể công trình, hạng mục đúng (sai, hoặc không thực hiện) với quy hoạch được duyệt; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất, thuê đất, diện tích đất và sàn nhà ở bàn giao theo quy định của TP. Chủ đầu tư phải báo cáo việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và ấn định thời hạn hoàn thành; báo cáo việc chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư cấp hai, việc huy động vốn, tiêu thụ sản phẩm, việc sử dụng nhà ở sau khi hoàn thành, tình hình bàn giao và cấp giấy chứng nhận…

Ông Đào Anh Tuấn đánh giá, qua rà soát và thực hiện quản lý trên cơ sở Điều lệ quản lý thực hiện dự án của từng chủ đầu tư, chính quyền và cơ quan quản lý sẽ có được hệ thống số liệu cụ thể, đồng bộ để có cái nhìn tổng thể, toàn diện về thực trạng các dự án. Đây cũng là cơ sở để TP hoạch định các chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, điều tiết nguồn cung bất động sản.

Trong tháng 11, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án khu ĐTM, dự án phát triển nhà ở và một số quận, huyện. Nội dung chủ yếu là yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lập và trình duyệt Điều lệ quản lý thực hiện dự án theo quy định; rà soát việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý dự án. Sau khi triển khai thực hiện Quyết định 26/2012/QĐ-UBND trên toàn địa bàn. Thanh tra Xây dựng sẽ kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính nếu chủ đầu tư không lập Điều lệ hoặc có lập nhưng không thực hiện đúng.
Theo Song Hà (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.