Kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông với xu hướng tiến về đông Sài Gòn, cách đây gần 10 năm, đã khiến cơn sốt nhà đất tại đây leo thang từng ngày. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông không đuổi kịp cơn sốt nóng này đã biến khu vực “đất hứa” trở nên hoang tàn.

Khu đông Sài Gòn, thời điểm năm 2007. Cứ cách nhau vài tuần, người ta lại thấy một dự án nhà ở, biệt thự được triển khai ăn theo các quy hoạch về giao thông như đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây, tàu điện ngầm, đường vành đai... Đó cũng là thời điểm nhà đầu tư thứ cấp đổ dồn về khu vực này để đón "gió" thị trường. Song, sau nhiều năm, tình trạng hoang hóa "vườn không nhà trống" lại bao phủ nhiều dự án khu dân cư tại đây.

Tiền tỷ phơi sương

Nằm ngay cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, giao điểm giữa đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành và đường vành đai phía Đông, khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9) dường như là nơi an cư lý tưởng. Thế nhưng, đi vào sâu trong khu biệt thự, có thể thấy nhiều căn được bảo vệ bằng bức tường gạch bít kín cửa ra vào, thậm chí tầng trệt của ngôi nhà đã bị cỏ dại phủ kín. Các căn biệt thự ở đây có diện tích hằng trăm mét vuông với mức giá chào bán khoảng 4-5 tỷ đồng/căn, nhưng đều trong tình trạng không một bóng người.

Một trong những cư dân hiếm hoi trong khu biệt thự này cho biết: "Khi mới chuyển đến đây sinh sống, thấy các biệt thự được mọc lên nhanh chóng, tôi hy vọng đây sẽ là một khu dân cư nhộn nhịp. Vậy mà, sau 6 năm, nơi đây vẫn tiêu điều".

Ngán ngẩm hơn là Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9). Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, với diện tích hơn 82 héc-ta. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đầu tư, đến nay, dự án cũng chỉ có lác đác vài căn nhà. Đường xá bị băm nát và trở thành bãi đỗ cho xe container. Nhiều khách hàng tại cụm dự án Bắc Rạch Chiếc than vãn, cho dù rất muốn xây dựng nhà để ở, nhưng vì hạ tầng xuống cấp, các dịch vụ điện, nước đều không có, nên không dám xây...

Những tòa nhà để hoang tại khu Đông Sài Gòn

Cũng tại quận 9, dọc theo đường Nguyễn Duy Trinh, hàng loạt dự án như Bách Khoa, Khu nhà ở Long Trường... đang là những mảng đất trống, không người ở. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Khu đô thị Đông Thăng Long do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Được khởi công từ năm 2005, có diện tích hơn 159 héc-ta và từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9, song đến nay, dù đã được đầu tư hạ tầng, dự án vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, lác đác vài căn nhà xiêu vẹo mọc lên.

Hàng loạt dự án đất nền khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Giồng Ông Tố (quận 2) triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn là những bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Mặc dù có thời điểm sốt đất, người ta có thể chuyển nhượng "trên giấy" lên đến 80-90 triệu đồng/m²... Thực trạng trên tạo nên sự lãng phí ghê gớm cho xã hội. Hàng trăm ngàn tỷ đồng phơi nắng phơi sương từ năm này qua năm khác và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ngoài ra bộ mặt đô thị cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do những dự án "đầu voi đuôi chuột" này.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đây là hệ quả của tình trạng đầu cơ nhà đất. "Khi thị trường nhà đất lên cơn sốt, nhiều chủ đầu tư đã đổ tiền xây dựng những khu biệt thự với mục đích đón đầu để kiếm siêu lợi nhuận. Cũng trong xu thế đón gió đó, không ít nhà đầu tư thứ cấp mua xong để đấy nhằm đẩy giá lên cao. Nhưng khi thị trường ngày càng lao dốc thì việc bán ra trở nên khó khăn", ông nói.

Quả đắng từ cơn sốt

Thực trạng bây giờ đã cho thấy các nhà đầu tư thứ cấp là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân. Họ bị cuốn vào cơn sốt đất nhiều năm trước. Và nay, khi giá thị trường đi xuống dưới mức đầu tư ban đầu, các nhà đầu tư, vì không muốn bán lỗ, đành phải để những căn biệt thự tiền tỉ phơi nắng chờ thị trường nổi gió.

{keywords}

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, dù được thiết kế hiện đại, nhưng các dự án khu đô thị không có tính kết nối cao. Người mua vì thế chưa muốn dọn đến ở. Các chủ đầu tư cũng không vội vàng chi tiền để hoàn thiện các hạng mục còn lại như sân chơi, siêu thị, trường học, công viên. Do đó, các khu biệt thự chỉ trơ lại phần thô và thiếu nhiều hạng mục.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét: "Những khu đô thị mới ở khu vực này đã xuất hiện khá sớm khi hệ thống đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa hoàn thiện. Điều này khiến không ít người có nhu cầu thực sự phải ngập ngừng về ở tại đây. Thêm vào đó các doanh nghiệp trong một thời gian dài vướng phải lãi suất cao của ngân hàng đã không đủ tiềm lực tài chính để hoàn thiện dự án".

Lãnh đạo một đơn vị chuyên phân phối bất động sản khu vực quận 2, quận 9 lý giải, các chủ đầu tư trước đây đều cam kết sẽ đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng sau khi đã bán hết đất, họ cũng bỏ luôn trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng, khiến các khu dân cư không có các dịch vụ tiện ích, không ai ở được. Mặc dù không có người ở, nhưng giá đất ở những dự án kể trên được mua bán ở mức thấp nhất vào khoảng 10 triệu đồng/m2, cao nhất có thể lên đến 50-70 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Tình trạng dự án hoang phế còn có nguyên nhân từ sự đầu tư thiếu định hướng của các bên. Hầu hết các chủ đầu tư làm dự án dựa trên quy hoạch tổng thể hạ tầng đô thị, như hệ thống giao thông hoặc xu thế phát triển đô thị theo khu vực. Hình thức đi tắt đón đầu này đã tạo nên sự chênh lệch về thời điểm và tiến độ. Vì thế, mới có tình trạng nhiều khu dân cư đã xây xong mà quy hoạch vẫn còn treo.

Nam Phong (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.