Hiện nay, số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỉ USD. Vậy tại sao vấn đề ngoại tệ lại căng thẳng như vừa qua?

Ngày 24.2, bên hành lang hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời các phóng viên báo chí về giải pháp kiềm chế lạm phát để phát triển kinh tế.

Thưa Phó Thủ tướng, trước tình trạng chỉ số CPI tăng mạnh như vậy, chính sách mấu chốt mà Chính phủ đề ra là gì để giải quyết vấn đề này?

- Phải kết hợp đồng bộ cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Năm 2010, chúng ta phải tăng vốn để phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng tăng 29%, trong khi kế hoạch là 25%. Trái phiếu chính phủ phát hành ra có giảm nhưng vẫn cao, từ 65.000 tỉ đồng năm 2009 xuống còn 55.000 tỉ năm 2010. Năm nay, chúng ta đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải giảm nữa và trái phiếu chính phủ cũng chỉ phát hành là 45.000 tỉ và tới đây có thể sẽ giảm thêm 10% nữa. Tất cả các khoản chi tiêu thường xuyên, đầu tư doanh nghiệp cũng giảm ít nhất 10%.

Như vậy nghĩa là phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng để chống lạm phát?

- Nếu làm đồng bộ, nếu làm tốt thì những giải pháp đó không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng. Bây giờ đại bộ phận DN của mình là DN nhỏ, nếu thanh khoản tiền tệ, tín dụng vẫn tốt thì tăng trưởng của mình vẫn có thể đạt bằng năm 2010 hoặc hơn một chút - xấp xỉ 7%.

Có nghĩa vẫn ưu tiên tín dụng cho DN vừa và nhỏ?

- Chúng ta không áp dụng biện pháp hành chính, làm cho đồng tiền bị phong tỏa. Vấn đề là phải làm cho đồng tiền thông thoáng các biện pháp lãi suất, tỉ giá, dự trữ để tạo tính thanh khoản bình thường. Hiện nay, số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỉ USD. Vậy tại sao vấn đề ngoại tệ lại căng thẳng như vừa qua? Đó chính là do doanh nghiệp giữ không bán, sợ ngân hàng lại điều chỉnh tỉ giá.

Do vậy, ngân hàng phải minh bạch, tạo ra sự bình ổn. Doanh nghiệp tin ngân hàng thì họ sẽ bán ngoại tệ. Khi đó, đồng tiền sẽ chạy, doanh nghiệp không có tình trạng lúc thì đổi tiền Việt sang USD và ngược lại.

Ở đây là do cách điều hành lãi suất, nếu người ta thấy dùng tiền Việt có lợi thì người ta sẽ không đi mua và tích trữ USD. Tổng lượng tiền chúng ta không hề thiếu, nhưng căng thẳng như vừa qua là do biện pháp, chính sách mà thôi. Phải làm sao để ngân hàng phải đảm bảo khi doanh nghiệp cần ngoại tệ là bán ngay. Ngược lại, doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, vì thế mới giải quyết được sự căng thẳng về ngoại tệ.

Hôm qua tôi có làm việc với đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, họ nói Việt Nam còn dư 2,5- 3 tỉ USD tổng lượng tiền cung so với cầu, nhưng tại sao lại để âm trong túi ngân hàng, đó chính là câu hỏi lớn?

Với chính sách thay đổi lãi suất, tỉ giá ngoại hối liên tục của ngân hàng có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng trên và gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất?

- Nếu làm đồng bộ các giải pháp thì tình hình sẽ tốt. Ngân hàng phải chủ động với những công cụ trong tay, nhưng nếu làm không phù hợp sẽ gây khó khăn cho cả nền kinh tế.

Chính phủ sẽ điều hành thế nào khi còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ trong việc thực hiện các chính sách?

- Sẽ giao ban 10 ngày một lần để phối hợp chặt chẽ giữa các bộ với nhau, giữa trung ương và địa phương. Đi cùng với điều hành là kiểm tra, kiểm soát, nếu thấy cần Chính phủ sẽ có điều chỉnh.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Tag: tin tuc, cafeland,2 tỷ usd,tỷ giá, nguyen sinh hung

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland