Muốn đẩy nhanh được núi tiền mặt khổng lồ, các ngân hàng chỉ còn cách làm như các doanh nghiệp bất động sản đã từng làm trong suốt cả năm trời qua: gia tăng khuyến mãi và vay có thưởng. Như thế, gánh nặng đối với ngân hàng đang được đè thêm bởi chính cơ thể và cơ chế của họ.

Bệnh cũ tái phát

Cái tên Ngân hàng Phương Tây chính là phép thử đầu tiên đối với tính ứng nghiệm của chính sách hạ trần lãi suất huy động về 9%.

Như một thông lệ bất thành văn đã tồn tại từ cách đây 7 năm, cứ mỗi khi nền kinh tế có biến động và thị trường tín dụng bước vào buổi giao thời, lập tức những biến động tương ứng cũng được phản ảnh trong khối ngân hàng. Việc Phương Tây trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên nâng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng lên 14% có thể làm chúng ta nhớ lại cũng với mức lãi suất tương tự, một ngân hàng thương mại khác là SeABank đã từng lập kỷ lục vào năm 2008 trong làn sóng đua tăng lãi suất huy động.

Nhưng lần này, không khí ồn ào đã nhanh chóng lắng dịu. Chỉ ba ngày sau khi lập kỷ lục 14%, Ngân hàng Phương Tây lại tự động (và có lẽ cả tự nguyện) kéo hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng về 12,5% - một động thái được giới phân tích và báo chí coi là bất ngờ. Cũng tức thì, làn sóng nhấp nhổm tranh đua tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng khác, kể cả những ngân hàng thương mại lớn như ACB, Techcombank cũng giảm hẳn biên độ tung hứng của nó.

Vì sao Ngân hàng Phương Tây lại tự nguyện kéo giảm kỳ vọng của họ, trong khi chẳng có một chế định nào bắt họ phải ràng buộc với các mức lãi suất thấp hơn? Khác hẳn với thời điểm tháng 9/2011 là lúc trần lãi suất huy động lần đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước siết về 14% và do vậy phải áp dụng biện pháp hành chính để bảo đảm không xảy ra tình trạng xé rào lãi suất, lần này không khí lại cởi mở hơn khá nhiều. Hơn nữa, cũng nằm trong xu thế chung là trần lãi suất huy động sẽ có thể được Ngân hàng Nhà nước gỡ bỏ vào một thời điểm thích hợp nào đó.

Không quá khó để đoán định là nếu đã không cần đến biện pháp chế tài thì hẳn nhiên chỉ còn thủ pháp "vận động" đối với những ngân hàng đang "đe dọa" phá vỡ chủ trương giảm lãi suất huy động và qua đó là giảm lãi suất cho vay của toàn bộ khối ngân hàng. Còn nhớ vào năm 2008, khi cuộc đua lãi suất huy động lên gần đỉnh điểm với mức lãi suất 19,2% của Ngân hàng SeABank, cũng đã diễn ra một sự "vận động" nào đấy mà dẫn đến kết quả là ngân hàng này đã tự động hạ xuống tấm bảng PR về cơ chế lãi suất huy động tự biên tự diễn của mình.

Ám ảnh thanh khoản và nợ xấu

Có nhiều lý do để Ngân hàng Nhà nước lo lắng khôn nguôi về tình trạng đua nâng lãi suất huy động, cho dù đây là một cuộc đua hoàn toàn hợp pháp và cũng có thể là hợp lệ. Trên hết, có vẻ như "thời điểm Minsky" - một khái niệm mô tả tính nguy hiểm của thời điểm đáo hạn thanh toán nợ vay của doanh nghiệp đối với ngân hàng - lại đang ứng với chính ngân hàng.

Tuy chưa có con số công bố chính thức, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ xuất hiện con số về thực trạng vốn tồn đọng, song từ tháng 4/2012, những ngân hàng thương mại đã bắt đầu lên tiếng. Nhưng đó lại không phải là tiếng nói về những khoản lợi nhuận kếch xù mà họ tích góp trong năm 2011 cộng với gần nửa đầu năm nay - bất chấp tình cảnh oái oăm ngược ngạo của 1/3 số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản, mà là tiếng kêu than về đồng vốn bị ứ đọng.

Thoạt đầu là Ngân hàng ACB với 3 tỷ USD vốn dôi dư mà quá khó để có thể cho vay. Tiếp đó là Vietinbank và một số ngân hàng khác như Eximbank, Vietcombank, BIDV... Sau đó, đã xuất hiện một vài con số ấn tượng hơn, khi tính sơ bộ nhóm 12 ngân hàng thương mại lớn với số vốn tồn đọng có thể lên đến 200.000 tỷ đồng.

Cũng không phải vô cớ mà cùng với thời gian qua đi, những con số nợ xấu của từng ngân hàng dần được tiết lộ. Mặc dù vẫn chỉ "khiêm tốn" ở mức 3-4% và cao nhất chỉ là 6% ở Ngân hàng Agribank, nhưng tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lại "bất chợt" công bố tỷ lệ nợ xấu trên toàn cõi ngân hàng là 10%. Với con số bất ngờ này, câu hỏi nên đặt ra là chẳng lẽ các ngân hàng lại thiếu trung thực trong việc công bố tỷ lệ nợ xấu của mình vào thời gian ngay trước đó?

Làm sao để cho vay?

Nói gì thì nói, gánh nặng đối với ngân hàng đang được đè thêm bởi chính cơ thể và cơ chế của họ. Giờ đây, muốn đẩy nhanh được hàng tồn kho - tức núi tiền mặt khổng lồ - các ngân hàng chỉ còn cách làm như các doanh nghiệp bất động sản đã từng làm trong suốt cả năm trời qua: gia tăng khuyến mãi và vay có thưởng.

Nhưng điều oái oăm lại là không phải đối tượng nào cũng "nên" được cho vay, nhất là số doanh nghiệp sắp chết. Vào cuối năm ngoái, khi tình hình đã khá tồi tệ, số doanh nghiệp này thật ra chỉ mới đặt một chân vào cửa tử, nghĩa là chân kia vẫn còn có thể làm lụng để trả lãi ngân hàng. Thế nhưng lúc đó các ngân hàng vẫn còn say sưa trong những chiến dịch thâu tóm lẫn nhau và cho vay doanh nghiệp với lãi suất cao ngất ngưởng, vẫn chưa nhìn thấy thảm họa đã đến rất gần.

Chỉ đến khi chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thừa nhận có ít nhất 20% doanh nghiệp không còn khả năng để vay (tức đã chết), và chỉ có 20% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động tốt (nhưng lại chưa chắc có nhu cầu vay vốn), thì các ngân hàng mới phải hốt hoảng kiểm lại cái tỷ lệ 60% số doanh nghiệp còn lại được coi là "hoạt động cầm chừng", với một nửa trong số đó có thể không bảo đảm các điều kiện vay vốn.

Nhìn đi nhìn lại, chỉ còn đối tượng khách hàng là người tiêu dùng và những người muốn vay vốn ngân hàng để sắm sửa nhà cửa trong thời buổi bất động sản đại hạ giá là có thể đáp ứng khá dễ dàng những điều kiện khắt khe của ngân hàng. Cũng bởi thế, không lạ là chỉ trong vài tháng qua, làn sóng cho vay tiêu dùng và bất động sản đã dâng cao đến thế tại khá nhiều ngân hàng, kể cả những ngân hàng trước đây chưa hề có thói quen cho vay mua nhà.

Cũng bởi thế, sẽ không ngạc nhiên nếu trong những ngày tới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định mới: mở rộng đối tượng áp trần lãi suất cho vay. Trong đó, dĩ nhiên bất động sản phải là đối tượng được ưu ái nhất.

Thời gian nửa cuối năm 2012 nhiều khả năng sẽ chứng kiến trạng thái ổn định của mặt bằng lãi suất tiền gửi và kéo theo lãi suất cho vay hạ dần - như khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, khả năng này có thể còn được kéo sang cả năm 2013, nếu cần và phải làm như vậy.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.