Tuy kỳ vọng lớn nhưng thực tế việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư đã cấp phép vào khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) ở Tây Ninh còn nhiều gian nan, thậm chí phải thay đổi chủ trương để tìm hướng đi mới phù hợp.

Theo quy hoạch đến năm 2020, khu dịch vụ phi thuế quan cửa khẩu Mộc Bài có diện tích 1.303ha, nằm trong Khu KTCK Mộc Bài. Hiện ở đây có 5 siêu thị, trung tâm mua sắm đang hoạt động... cầm chừng. Điểm kinh doanh sôi động nhất là trung tâm mua sắm GC hiện chỉ hoạt động tại tầng trệt. Gần lối vào của bãi giữ xe, một số người dân bày bán xong nồi, xà bông, mỹ phẩm, bột giặt...

Tính đến cuối tháng 7/2014, Khu KTCK Mộc Bài có 35 DN đăng ký đầu tư 46 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.738 tỷ đồng và 241 triệu USD, tổng diện tích đất đăng ký sử dụng hơn 2.000ha. Thực tế, tiến độ triển khai các dự án rất chậm, thậm chí giậm chân tại chỗ. Có thể kể một số dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư gần 10 năm vẫn chưa triển khai: Khu công nghiệp số 1 (103ha) của Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Ngọc Oanh, phê duyệt quy hoạch chi tiết tháng 11/2013,

gia hạn nhiều lần, hiện chưa triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Khu công nghiệp số 2 của Công ty CP đầu tư Phi Long, phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004, hiện mới đền bù được 69 ha trong tổng số 90ha. Dự án khu du lịch sinh thái và khu nghỉ dưỡng kết hợp hoạt động thể dục thể thao của Công ty CP đầu tư Việt Nam, quy mô 600ha, hiện còn 360ha chưa thỏa thuận đền bù...

Từng quảng bá là “Thành phố mặt trời”, giờ đây các dự án bất động sản tại Khu KTCK Mộc Bài đúng nghĩa là “bất động” đầy “nắng trời”. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, nhiều dự án xây dựng dở dang, bỏ hoang, rêu phong, và đang có hiện tượng xuống cấp trầm trọng, như của Công ty Phi Long, Địa ốc An Phú Mộc Bài...

Khu KTCK Mộc Bài có 35 DN đăng ký đầu tư 46 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.738 tỷ đồng và 241 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.000ha. Thực tế, tiến độ triển khai các dự án rất chậm, thậm chí giậm chân tại chỗ.

Ngoài Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh còn có Khu KTCK Xa Mát có tiềm năng rất lớn về vận chuyển hàng nông sản nhưng khá bất lợi về khoảng cách địa lý bởi cách Mộc Bài 80km, trong khi chỉ có một đường vận chuyển duy nhất là đường bộ (Mộc Bài còn có sông Vàm Cỏ Đông) nên chi phí vận chuyển gia tăng. Xa Mát có chủ trương tập trung phát triển kho bãi và sơ chế hàng hóa, còn phát triển thương mại, cửa khẩu thì rất khó, chưa tính đến.

Quyết định 6300/QĐ- BCT ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy tiềm năng phát triển mạnh của khu thương mại- dịch vụ tại Khu KTCK Mộc Bài.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Sơn- Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, kiêm Trưởng Ban quản lý khu cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát- cho rằng: “Nếu phát triển theo quy hoạch của Bộ Công Thương thì có thể phát triển 30ha đất của Công ty Phi Long. Giải pháp của chúng tôi là quy hoạch lại, cố gắng đầu tư công nghiệp. Mới đây có một DN Hàn Quốc đầu tư 100ha hạ tầng Khu công nghiệp ở Mộc Bài, tỉnh đã đồng ý chủ trương. Chúng tôi cũng hy vọng Khu KTCK của tỉnh sẽ khởi sắc”.

Tỉnh Tây Ninh vừa đồng ý chủ trương cho Công ty CP khu công nghiệp Thành Thành Công (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) và Công ty TNHH phát triển khu công nghiệp TMTC (Khu KTCK Mộc Bài) được thành lập khu công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ.

Bao giờ các khu KTCK ở Tây Ninh thật sự khởi sắc? Mong một ngày không xa!.

Lê Khôi (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.