Về chủ trương với những dự án đã xong căn hộ mà đang “ế” thì chia nhỏ ra thành nhà ở xã hội của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Văn Hải tỏ ra e ngại điều này.

Theo ông Hải, ở đây có vấn đề về cơ chế chính sách. Tiêu chuẩn một dự án chung cư có quy định 1 cầu thang bao nhiêu căn hộ sử dụng, rồi liên quan đến thoát người phòng hỏa, mật độ sinh hoạt chung… Việc điều chỉnh này là tăng dân số nên cần cẩn thận nếu không sẽ phá vỡ hạ tầng xã hội xung quanh vì những dự án đã giải phóng rồi thì hạ tầng xã hội đã tính toán xong từ trước.

Ông Hải cũng cho biết, qua rà soát các dự án còn tồn đọng hiện nay ở Hà Nội, thì một trong những điểm làm tăng tính hấp dẫn của dự án là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xã hội. Nếu đầu tư tốt thì sức mua sẽ tăng, việc chia nhỏ căn hộ chỉ là một biện pháp bên cạnh biện pháp này. Hiện nay đa số các dự án nhà ở làm trước, hạ tầng làm sau nên người mua không mặn mà.

“Hiện chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ quỹ nhà, đặc biệt ở ngoài vành đai 2, vành đai 3 để cân đối lại nhu cầu. Qua việc rà soát, TP.Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng phân loại dự án sắp hoàn thành để bơm tiền cho làm nốt; còn những dự án mới làm móng hoặc chưa triển khai thì có cơ chế để chủ đầu tư dừng dự án, không triển khai để không tăng nguồn cung cho thị trường dẫn đến ế thừa. Chúng tôi cũng cam kết việc phát triển quy hoạch sẽ có lộ trình cụ thể, chứ không phải vết dầu loang như trước đây, gây lãng phí. Các quy hoạch phân khu cũng sẽ làm chi tiết và để người dân biết” - ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, với những dự án đang làm thủ tục lập hồ sơ quy hoạch tại Sở Quy hoạch Kiến trúc, sở cũng rất phân vân, không cho họ làm tờ khai để cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường. “Trước mắt có thể sẽ tạm thời đình lại các sản phẩm này để tiêu thụ nốt những dự án đang tồn đọng hiện nay” - ông Hải nhận định.

Về chủ trương với những dự án đã được bàn giao nhưng phải tạm dừng chờ quy hoạch chung thì Bộ Xây dựng nên có cơ chế chính sách cụ thể, việc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác phải tính toán kỹ vì dự án đã GPMB rồi thì chức năng quy hoạch sử dụng đất phải đúng quy hoạch đã được xác dịnh. Nếu không có chính sách rõ ràng thì thanh tra sẽ vào cuộc mà chủ đầu tư thì thà để đất hoang còn hơn suốt ngày phải làm việc với thanh tra.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.