Đó là khẳng định của VS, TSKH Trương Công Phú - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế của UBTƯMTTQ Việt Nam khi trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong đầu tư công đang gây ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, trong khi những lỗ hổng này chưa được Luật Đầu tư công lấp.
Ông Trương Công Phú
Từ việc đổ vỡ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư công hiện nay?
Trước hết phải nói các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản là đúng. Nhưng vấn đề ở đây là việc tổ chức thi hành các quy định hiện hành là chưa tốt cho nên mới gây ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề quy hoạch đầu tư, nhưng rất tiếc công tác quy hoạch của chúng ta rất yếu, chỉ làm chung chung, làm không đến nơi đến chốn. Chủ yếu mới chỉ có Bộ Xây dựng làm, chứ cấp tỉnh thì không có.
Một vấn đề nữa đó là quyết toán công trình để xem giá cả xây dựng là bao nhiêu, tổng dự toán tối đa là bao nhiêu để không được vượt dự toán. Khi thấy tổng dự toán vượt dự toán phê duyệt thì không được làm mà phải chờ phê duyệt bổ sung lại thì mới được làm. Nhưng trên thực tế chúng ta lại không chú ý đến việc này mà cứ làm rồi xin sau. Do vậy, nếu làm theo đúng trình tự thì từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng cho đến khâu xây dựng, quyết toán công trình, rồi đến khâu theo dõi trong quá trình sử dụng công trình mà làm tốt thì chắc chắn sẽ tránh được lãng phí, thất thoát. Hiện nay, chúng ta có 30/85 tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước với số nợ trên vốn chủ sở hữu là hơn 3 lần. Theo số liệu của Bộ Tài chính thì tổng số nợ của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 1.000.000 tỷ đồng. Một điều đã rõ là các con tàu, ụ nổi, các dự án có khoản đầu tư bằng một phần vốn chủ sở hữu không sử dụng được. Trên thực tế số này không chỉ coi như đã mất mà còn tốn thêm chi phí lưu kho, bảo quản, bảo vệ.
Vậy từ những vụ việc thua lỗ, đổ vỡ, gây thất thoát nhiều tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông thấy việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong thời gian qua như thế nào?
Đối với các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước dứt khoát phải có cơ chế quản lý rất chặt chẽ. Đối với công trình nhóm A thì trình tự chuẩn bị đầu tư phải qua 2 bước đó là lập dự án tiền khả thi và dự án khả thi để xin cấp trên quyết định. Cấp trên ở đây mà tôi đề cập đến chính là bộ chủ quản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó. Sau khi dự án khả thi được duyệt thì bộ chủ quản đó còn kết hợp với Bộ Tài chính và các bộ khác có liên quan lập hội đồng phê duyệt. Còn khi thực hiện đầu tư mua máy móc, thiết bị theo dự toán được duyệt thì Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến tham gia như mua của nước nào, sử dụng công nghệ nào, bao nhiêu tiền, chứ đâu phải mua tùy tiện. Vừa rồi Quốc hội có hỏi vụ Vinashin, Vinaline về mua tàu cũ, ụ nổi cũ thì bộ này đổ bộ kia không ai biết cả. Nhưng là cơ quan quản lý nhà nước thì phải biết rõ chứ. Làm sao không biết được vì trước khi mua còn phải trình. Làm sao mà trả lời vô trách nhiệm thế được?
Một thực tế đang diễn ra đó là chúng ta chưa chú ý đến hiệu quả trong đầu tư nên mới dẫn đến những thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty. Những lỗ hổng này đang được Dự thảo Luật Đầu tư công, mua sắm công khắc phục. Ông nhận định như thế nào về bản dự thảo này vừa được cho ý kiến tại phiên họp thứ 12 của UBTVQH?
Nhiều công trình khi đầu tư chưa tính toán đầy đủ đến hiệu quả. Có thể do trình độ hoặc do cố tình. Cố tình ở đây chính là vì lợi ích cá nhân khi mua thiết bị. Rồi về sau mặc người trả nợ. Vì thế cho nên muốn đầu tư có hiệu quả thì phải làm tốt khâu quy hoạch đầu tư; chuẩn bị đầu tư; chuẩn bị xây dựng; theo dõi, quản lý chặt quá trình xây dựng, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ. Nếu chậm tiến độ thì lãng phí rất lớn do giá vật liệu tăng; tiền công nuôi bộ máy trong thời gian kéo dài thi công; đến khi công trình hoàn thành thì phải dứt khoát quyết toán để xác định tính hiệu quả. Thứ hai là công tác quyết định vốn đầu tư của Nhà nước thì nên tập trung vào một đầu mối, không nên phân ra quá nhiều cấp. Hiện nay nhu cầu đầu tư của đất nước thì rất lớn, nhưng mà nguồn vốn thì có hạn, do vậy cần tập trung vốn vào công trình đi vào sử dụng được ngay, tránh đầu tư dàn trải. Chính từ việc không tập trung vốn thì gây ra thất thoát, lãng phí. Hay từ lợi ích cục bộ của một số địa phương cũng làm vốn đầu tư bị phân tán.
Vậy theo ông trong Luật Đầu tư công sắp tới cần phải có những chế tài gì để quản lý nguồn vốn đầu tư, thưa ông?
Trước hết, phải xác định cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản là của Nhà nước và mang tính chất Nhà nước. Cơ chế này phải quản lý rất chặt chẽ. Nghĩa là các cơ quan của nhà nước phải phê duyệt chứ không để các chủ tịch tập đoàn hay tổng công ty phê duyệt. Thứ hai là cơ chế mua sắm vật tư, thiết bị, vì qua khâu này dễ dẫn đến thông đồng với người bán hàng để lấy tiền. Thứ ba là khâu giám sát trong quá trình thi công. Thứ tư là quyết toán công trình, theo dõi công trình đưa vào sử dụng tối thiểu là khi đạt được công suất thiết kế. Cho đến bây giờ, chưa có một cơ chế nào rõ ràng, minh bạch và đầy đủ về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về kế hoạch hóa, tài chính, sản xuất, kinh doanh.
Xin cám ơn ông!
Theo H.Vũ (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.