Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 28/9, đại diện các cơ quan chức năng đã lên tiếng về các vấn đề kinh tế “nóng” hiện nay như bất động sản, giá vàng…

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã từng rất lãi

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, một số doanh nghiệp cho rằng, việc hạ giá bán bất động sản thời gian qua xuống mức thấp là “bán phá giá”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc nhận định “bán phá giá” hay không phải theo quy định của pháp luật. Nhưng, việc hạ giá bán nhà ở là chủ trương của Chính phủ để người có thu nhập thấp có thể mua được nhà.


Doanh nghiệp bất động sản đã từng lãi rất lớn và cần chia sẻ lúc thị trường khó khăn.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện lượng hàng bất động sản tồn kho rất cao và đáng lưu tâm. Và trong các giải pháp tháo gỡ phải tính đến giải pháp mà hiệu quả đem lại là “một công đôi việc”, nghĩa là phải điều chỉnh giá bất động sản ra sao để hàng tồn kho tiêu thụ được, trong khi người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở cũng có thể tiếp cận.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh bất động sản, người có thu nhập thấp mua được nhà ở.

“Tôi rất chia sẻ với khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, song tinh thần là các doanh nghiệp cần chia sẻ với nhau, và làm sao bất động sản được đưa về về giá thực của nó. Bất động sản cũng từng có lãi rất lớn” – Bộ trưởng cho hay.

Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, nhất là bất động sản. Các giải pháp được đưa ra là: hạ giá bán, xử lý các tài sản đảm bảo, ưu tiên dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp…

Vàng chủ yếu chảy vào bất động sản

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2000, các tổ chức tín dụng huy động, cho vay và chuyển đổi 30% số vàng huy động được thành tiền đồng để lưu hành trong nền kinh tế.

Từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng đột biến (hơn 300%) khiến các tổ chức tín dụng đứng trước rủi ro lớn, nhất là khi các tổ chức này cho vay vàng chủ yếu là để mua nhà, bất động sản. Khi thị trường bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng tới hệ thống này.

Để người dân yên tâm bán vàng, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định giá trị của tiền đồng Việt Nam.

Về vàng miếng, theo ông Nguyễn Quang Huy, sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, doanh nghiệp này đã không còn được kinh doanh mua, bán vàng miếng từ tháng 5/2012 và thực hiện gia công vàng cho ngân hàng.

Mặc dù vậy, ông cũng khẳng định, các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường. Ông Nguyễn Quang Huy khuyến nghị người dân bình tĩnh, không nhất thiết phải chuyển đổi ngay sang vàng SJC ngay, bởi nếu tất cả mọi người đều muốn chuyển đổi ngay lập tức, có thể sẽ bị ép giá, gây phức tạp thị trường. Vì thế, người dân nên chuyển đổi sau một thời gian nữa.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề chuyển đổi vàng miếng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thông tin chưa được đầy đủ, cụ thể để người dân yên tâm, không đi dập lại. Bộ trưởng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thông tin cho người dân./.

Không để lạm phát tăng cao trở lại

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, cuối năm là thời điểm giá cả thường leo thang, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý giá, kiên quyết không để lạm phát tăng cao trở lại.

Trong tháng 10/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,85% so với tháng trước. Trong đó, nhóm thuốc và giá dịch vụ y tế tăng 5,94%, giáo dục tăng 1,18%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,09%. Chính phủ nhận định, chỉ số CPI tháng này vẫn còn ở mức khá cao (0,8%), vì thế phải tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát năm nay như kế hoạch cả năm đã đề ra là không quá 8%.

Theo Thanh Nghị (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.