Bất ngờ giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn gửi 1 tháng xuống 5%/năm, thấp hơn mức trần Ngân hàng Nhà nước quy định 2% của một số “đại gia” ngân hàng đang gây sốc cho thị trường. Ngân hàng nhỏ lo ngại tình trạng "phá giá" lãi suất khiến dân rút tiền mặt để mua USD, mua vàng, chứng khoán

Ngày 11/ 7, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây bất ngờ khi thay đổi biểu lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống mức 5%/năm, giảm 1,5% so với trước và là mức lãi suất thấp kỷ lục so với mặt bằng lãi suất hiện tại. Kỳ hạn gửi tiền đồng 2 tháng được nhà băng này niêm yết ở mức 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Mức lãi cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng cho kỳ hạn gửi trên 6 tháng là 7,75%/năm.

Lãi suất tiền gửi giảm quá sâu người dân sẽ không mặn mà gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: Internet

Không chỉ riêng Vietcombank gây bất ngờ cho thị trường, mà một “ông lớn” khác là Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng mạnh tay giảm lãi huy động kỳ hạn 1 tháng xuống “đáy” 5%/năm.

Trong khi đó, biểu lãi suất của nhà băng lớn khác là Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) tới chiều 12/7 vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 6,5%/năm, mức lãi gửi cao nhất là 8% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đây không phải lần đầu tiên Vietcombank đi tiên phong trong việc giảm mạnh lãi suất huy động. Trước đó, hồi đầu tháng 5 ngân hàng này cũng gây sốc khi bất ngờ giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 7% xuống còn 6%/năm.

Thời điểm đó, lý giải cho động thái giảm mạnh lãi suất huy động của Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho. Đồng thời lãi suất huy động giảm sẽ giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.

Cũng như những lần giảm trước đây, việc “đại gia” ngân hàng giảm lãi suất sốc khiến người ta tin rằng sẽ sớm có một làn sóng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Ngay sau khi Vietcombank tiên phong giảm lãi suất tiền gửi VND xuống “đáy”, trao đổi với PV Infonet, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đây là “hành động dũng cảm” của Vietcombank khi đi đầu trong đợt giảm lãi suất lần này.

“Kéo lãi suất đầu van xuống thấp với ngân hàng dư thừa vốn là phù hợp nhằm giảm chi phí vay cho các khách hàng doanh nghiệp” – TS. Hiếu nhận định.

Không cho rằng các nhà băng này đã phạm luật khi kéo lãi suất xuống thấp hơn mức trần mà NHNN cho phép tới 2%, song ông cũng lưu ý, đây chỉ là động thái của một số nhà băng lớn chứ không phải nhà băng nào cũng có thể mạnh tay như vậy trong bối cảnh “phải giữ chân khách hàng bằng được”.

“Chỉ một số “đại gia” ngân hàng đang dư vốn đầu vào, đầu ra giới hạn mới có nhu cầu giảm lãi suất. Với số ngân hàng nhỏ còn lại vẫn phải neo lãi suất ở mức cao để giữ chân khách hàng vì thời gian qua cũng có sự chuyển dịch dòng tiền, khách hàng rút tiền tiết kiệm để chuyển sang mua vàng, đô la” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó chủ tịch HĐQT một NHTMCP cỡ vừa lại bày tỏ lo ngại nếu lãi suất cứ tiếp tục giảm sẽ nảy sinh sự xáo trộn của dòng vốn. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, khi thực tế sau đợt giảm lãi suất “cực mạnh” xuống 6%/năm của một vài ngân hàng lớn, đã có sự chuyển dịch dòng tiền, khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển sang kênh đầu tư hấp dẫn hơn là vàng, đô la, chứng khoán.

“Lãi suất huy động thấp hơn cả mức trần cho phép của NHNN tới 2%, thấp hơn cả lạm phát, thực tế các ngân hàng này đang phá giá lãi suất. Thử hỏi mức thấp như thế ai còn muốn gửi tiền ngân hàng nữa, người ta sẽ rút tiền mặt để mua USD, mua vàng, chứng khoán. Tới lúc đó, ngân hàng rơi vào bẫy thanh khoản và lại đua nhau tăng lãi suất. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả nợ xấu” – vị này nói và cho hay, ngân hàng ông không thể mạnh tay cắt giảm lãi suất xuống mức như trên, bởi "giữ chân khách hàng gửi tiền bây giờ là tối quan trọng".

Trúc Lam (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.