Báo Xây dựng trao đổi với TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề sửa đổi Luật Đất đai để phát triển thị trường BĐS lành mạnh.

TS Vũ Đình Ánh

Thưa TS, về mặt chính sách, Nhà nước cần có sự điều hành như thế nào để có thể thực hiện được những mục tiêu giúp thị trường BĐS được cải thiện?

- Đối với sự phát triển của thị trường BĐS, tất cả các chính sách cũng như sự điều hành cần phải phụ thuộc về thị trường. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là chỉ ra cho nhà đầu tư thấy là cái họ đang làm là bong bóng và họ cần xử lý bong bóng đó để đưa thị trường vào quỹ đạo hoạt động bình thường. Vấn đề thứ hai, Nhà nước có thể can thiệp được là vì BĐS là liên quan đến đất. Do đó chính sách về quản lý đất, chính sách về giá đất phải làm sao để hỗ trợ tạo ra các BĐS có giá phù hợp. Thứ ba, Nhà nước có thể làm và phải làm được là các khoản thuế liên quan tới hoạt động tạo dựng BĐS và kinh doanh BĐS thì cũng phải xem xét cho phù hợp. Mục đích cuối cùng là gì, tạo ra các giá BĐS giá phù hợp với BĐS, phù hợp với khả năng thanh toán của những người có nhu cầu.

Thưa ông, hiện nay chúng ta đang sửa đổi Luật Đất đai. Theo ông, nội dung nào là quan trọng nhất khi mà sửa đổi luật này giúp cho thị trường minh bạch và hoạt động lành mạnh hơn, đúng theo nghĩa thị trường?

- Luật Đất đai ở nước ta hiện tại có rất nhiều vấn đề. Nhưng liên quan tới thị trường BĐS thì có mấy điểm. Thứ nhất là cơ chế liên quan tới đền bù khi thu hồi đất đai thì cần phải sửa cơ bản để làm sao đảm bảo được lợi ích của người có đất, đồng thời với khởi đầu của giá BĐS có giá phù hợp. Vì nếu đền bù quá cao, thì lẽ tất nhiên khó có thể mua được BĐS trên giá đền bù quá cao đó. Thứ hai là khắc phục chuyện chênh lệch lợi ích quá lớn. Người đền bù BĐS và người sử dụng đất đó để phát triển BĐS. Vì thực tế thì chúng ta vẫn nói là Nhà nước chẳng được hưởng, người dân không được hưởng mà lại rơi vào DN kinh doanh BĐS về chênh lệch giá giữa đất đền bù và đất giao cho các DN để tiến hành dự án. Thứ ba, liên quan tới cốt lõi của giá đền bù và giá giao là xử lý cho được cơ chế giá, mà chúng ta hay gọi là giá thị trường, cái này phải làm rõ. Vì tất cả các khúc mắc liên quan tới đền bù, khiếu nại đất đai cũng như là lợi ích của người dân có đất hay bên DN nhận đất đấy để triển khai dự án thì khúc mắc lớn nhất là câu chuyện về giá. Thứ tư, cũng nằm trong Luật Đất đai là các vấn đề liên quan tới chính sách tài chính về đất cũng phải sửa.

Ông vừa đề cập tới vấn đề đưa ra mức giá thỏa đáng và chia sẻ lợi ích trong trường hợp này, đối với các chủ đầu tư cũng đã đưa ra các giải pháp, nhưng theo ông cần phải tập trung vào giải pháp nào từ phía chủ đầu tư giúp thị trường có tính thanh khoản tốt hơn?

- Vấn đề này phải thực hiện tốt cả hai yếu tố. Không chỉ là vấn đề liên quan tới giá, xác định giá và mức chênh lệch giá. Mà cái quan trọng là phải hoàn thiện cơ chế về đền bù giải phóng mặt bằng, cơ chế về giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thu tiền sử dụng đất. Hay mật độ xây dựng và tỷ lệ xây dựng trên một diện tích đất nào đó. Hay nói cách khác, cái này còn liên quan không chỉ tới Luật Đất đai, mà còn cả Luật Xây dựng. Ví dụ, ở những vùng đất có giá trị rất cao, mà thông thường khu vực đấy hạn chế về đất, nếu chấp hành tỷ lệ xây dựng thì trị giá các BĐS tăng vọt rất lớn. Ngược lại, ở vùng giá đất đai rẻ thì người ta không cần chấp hành tỷ lệ xây dựng đó thì người ta vẫn đưa ra được những BĐS có giá hợp lý. Tóm lại sau Luật Đất đai thì phải sửa tiếp Luật Xây dựng, sửa tiếp Luật Kinh doanh BĐS để tạo ra hệ thống đồng bộ cho thị trường BĐS.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Huyền (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.