Tết đến xuân về, hàng trăm hộ nông dân tại TP. Đà Nẵng đang khấp khởi đón “quả ngọt” nhờ được tạo điều kiện trồng rau, hoa, cây cảnh trên đất dự án treo bỏ trống.
Người dân trồng hoa Tết trên đất dự án treo, đường 30/4, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Ảnh: VGP/Minh Trang
Vài năm trở lại đây, TP. Đà Nẵng đã có chủ trương tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp được mượn, thuê đất của các dự án chưa triển khai để giao cho người dân sản xuất. Cách làm này vừa đem lại công ăn việc làm cho người dân, tạo thu nhập đáng kể vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí tài nguyên đất.

Đến cuối đường 30/4, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, có thể thấy ngay một “làng hoa” nhỏ nằm ngay giữa trung tâm Thành phố. Tại đây, người nông dân đang tất bật cắt tỉa, chăm chút cho những bông hoa chuẩn bị được bán ra thị trường trong dịp Tết. “Làng hoa” này được xây dựng trên những lô đất trống tại các dự án bị bỏ hoang, các hộ đã mượn lại để trồng rau, hoa cảnh, mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Quang Trí (tổ 10, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, sau khi Thành phố thu hồi hơn 1.000 m2 đất sản xuất, gia đình ông đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Gia đình ông đã mượn tạm các lô đất trống mặt tiền đường 30/4 để trồng rau, hoa quanh năm, cải thiện đáng kể cho thu nhập của gia đình.

Dịp Tết này, gia đình ông trồng khoảng 600 chậu hoa cúc, ly, thược dược... Qua Tết, gia đình ông lại tận dụng trồng rau, các loại hoa cảnh bán trong năm. Các năm trước, gia đình ông có thêm thu nhập từ 50-70 triệu đồng bằng nghề trồng hoa.

Theo Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc, trên địa bàn phường có 72 hộ nông dân trồng hoa với diện tích 11 ha. Từ nguyện vọng của người dân mong muốn tận dụng đất dự án để sản xuất, Hội Nông dân của phường đã đề nghị Thành phố mượn đất của các dự án và cam kết sẽ trả lại đất khi chủ đầu tư dự án yêu cầu.

Cũng như ông Trí, Ông Nguyễn Thành Long (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã được hỗ trợ trồng rau xanh trên mảnh đất hơn 3.000 m2 không thuộc quyền sử dụng của mình.

Theo ông Long, hơn 10 năm trước, khi thực hiện chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị của thành phố Đà Nẵng, gần 80% hộ dân ở đây là nông dân không có đất sản xuất, việc làm không ổn định, kéo theo đời sống khó khăn. Vào năm 2013, Thành phố đã có văn bản đồng ý cho Hội Nông dân mượn, thuê đất dự án trên địa bàn phường.

“Việc các cấp Hội Nông dân đứng ra mượn đất các dự án treo cho hội viên thiếu đất sản xuất để trồng hoa cây cảnh, tăng thu nhập rất được nông dân ủng hộ. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững và ổn định hơn”, ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng cho biết, chủ trương này xuất phát từ thực tế hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn Thành phố không có đất để sản xuất. Trong khi đó, hàng chục dự án treo để đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Trước tình trạng này, Hội Nông dân các phường, xã đã mạnh dạn đề nghị với quận và thành phố mượn những lô đất này, giao cho đoàn thể địa phương quản lý, sử dụng để trồng trọt.

Từ đó, Thành phố đã đồng ý để các hộ nông dân mượn, thuê đất trống sản xuất từ 1-2 năm. Khi chủ đất muốn thu hồi thì phải thông báo trước cho nông dân từ 3-6 tháng.

“Mỗi ha đất trồng hoa, cây cảnh đem lại thu nhập gấp 10 lần trồng lúa. Nhiều hộ tổ chức các hoạt động dạy nghề tại cộng đồng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết tổ chức sản xuất, liên kết để tiêu thụ sản phẩm, chế biến sản phẩm tạo nên một thương hiệu riêng mang lại lợi ích rất cao, từng bước nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Kim Dũng cho biết.

Về lâu dài, ông Dũng cho hay, Hội Nông dân cũng đã đề nghị Thành phố mở rộng diện tích trồng hoa cao cấp, để nông dân có điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó hình thành vùng du lịch hoa theo Đề án “Đà Nẵng nấm và hoa” do Hội Nông dân Thành phố đề nghị.

Minh Trang (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.