Vấn đề liên quan đến đất đai luôn “nóng” khi ngay tại nghị trường đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến trái chiều về cùng một nội dung, đó là quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất.

Để khắc phục tình trạng khiếu kiện, cần bỏ cơ chế thoả thuận giữa nhà đầu tư và người có đất

Trưng mua hay thu hồi?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dẫn Điều 23 của Hiến pháp năm 1992 và cho rằng: “Do đất đai cũng là một tài sản hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp, không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết”.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) kiến nghị, cần xem xét thêm về khái niệm thu hồi đất. Theo ông Trường, quyền sử dụng đất là quyền tài sản và được coi là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Điều 23, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định việc thu hồi đất trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và chi trả, bồi thường theo cơ chế thị trường. Do đó, nếu thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế là trái với quy định của Hiến pháp. Vì vậy, trong các trường hợp này, nên sử dụng cụm từ "trưng mua quyền sử dụng đất" để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) lại “không thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu việc tiến hành trưng mua, trưng thu về đất”. Theo ông Tiếp, việc trưng mua hoặc trưng thu sẽ hạn chế quyền của công dân trong quá trình thực hiện quyền của mình. “Luật Đất đai cần quy định, Nhà nước chủ động thu hồi đất, tức là Nhà nước thành lập ra một tổ chức đứng ra thực hiện thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết tái định cư cho dân trên tất cả các dự án an ninh, quốc phòng, phúc lợi xã hội..., mà bỏ quy định nhà đầu tư thỏa thuận với dân”, ông Tiếp nói.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng khiếu kiện, bảo đảm công bằng xã hội, cần bỏ cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất đang sử dụng. Tất cả các dự án đang sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế đều được thực hiện theo hình thức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. “Khi đã giải phóng mặt bằng xong, có đất sạch, Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện phân chia hài hòa lợi ích giữa ba bên, gồm người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư”, ông Vẻ nói.

Bảo đảm sinh kế cho người bị thu hồi đất

Cho rằng một trong những nguyên nhân gây khiếu nại, tố cáo về đất đai kéo dài và phức tạp thời gian qua là do giá đất bồi thường thiếu công bằng và không đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi đất, đại biểu Lê Trọng Sang (TP. HCM) nhấn mạnh, việc bồi thường cho dân phải trên cơ sở bảo tồn mức tài sản và nguồn sinh kế tương đương cho họ. Theo nguyên tắc này, giá trị bồi thường phải ngang với giá mảnh đất và giá trị các tài sản gắn liền với đất hoặc ngang bằng với giá trị các điều kiện bảo đảm nguồn sinh kế tương đương cho người dân như trước khi họ bị thu hồi đất.

“Đối với trường hợp người bị thu hồi quyền sử dụng đất mà đất đó là thổ cư, trên đó có nhà để ở và là nơi tạo ra sinh kế cho người dân thì giá trị bồi thường phải bằng với giá mua lại một mảnh đất và có nhà trên đó tương đương, kể cả tương đương về các điều kiện sinh kế và các chi phí liên quan đến chuyển đổi vị trí. Trong trường hợp này, giá trị bồi thường của Nhà nước có thể phải cao hơn giá thị trường để mua lại quyền sử dụng khu đất đó”, ông Sang kiến nghị.

Ở một góc độ khác, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhận xét: “Dự thảo Luật chưa phân biệt rõ quyền hạn đó do chủ sở hữu giao hay do chức năng vốn có của Nhà nước, vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử thì còn chung chung, mờ nhạt và thiếu một cơ chế cụ thể để thực hiện việc giám sát một cách hữu hiệu”.

Theo ông Hùng, thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân sẽ dẫn tới lạm quyền, là nguyên nhân của tham nhũng, khiếu kiện về đất đai không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Ông Hùng kiến nghị, cần thiết kế một chương riêng về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân.

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) không đồng tình với quy định “thu hồi đất mà không bồi thường đối với đất thuê của Nhà nước” tại Dự thảo Luật. “Tôi đề nghị làm rõ quy định này vì hiện chúng ta có hàng ngàn dự án trên cả nước đang thuê đất của Nhà nước. Trong đại đa số trường hợp người thuê đất bồi thường cho người sử dụng đất trước đây, sau đó giao lại cho Nhà nước và được Nhà nước cho thuê đất. Nói rõ hơn thì các nhà đầu tư đã làm hộ Nhà nước công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nay Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường thì có hợp lý không, nhất là khi chưa cấn trừ xong tiền đền bù của doanh nghiệp?”, ông Tín đặt câu hỏi.

Theo Minh Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.