Khủng hoảng và khó khăn kinh tế, nhiều lĩnh vực kinh doanh và doanh nghiệp (DN) lộ rõ khó khăn. Cũng qua khó khăn đã lộ diện nhiều sai lầm của DN trong chiến lược, thực hiện những quy định về đầu tư, kinh doanh... Đó như là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến khó khăn hôm nay.

Mới đây, đại diện Hiệp hội Xi măng đã không ngớt lời kêu ca khó khăn đầu ra, gây tồn kho lớn cho toàn ngành cũng như điểm mặt những DN xi măng đang có nguy cơ đóng cửa vì thua lỗ. Cuối cùng, vị đại diện này cũng lộ ra rằng, nguyên nhân dư thừa khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa ngoài tác động trực tiếp từ khó khăn của xây dựng và bất động sản (BĐS) thì có nguyên nhân sâu xa từ việc đầu tư ồ ạt, phá vỡ quy hoạch của ngành xi măng kéo dài trong nhiều năm qua.

Chính vì thế, đại diện Hiệp hội này bên cạnh lời kêu cứu cũng đề xuất phải rà soát lại và cấm tiệt những dự án chuẩn bị đầu tư vào ngành xi măng vì tổng công suất đầu tư đã lên đến 130 triệu tấn là một điều phi thực tế. Lãnh đạo Tổng công ty Xi măng cũng cho biết, nhiều địa phương cũng lao vào đầu tư xi măng mà không lường trước được rủi ro. Nay khó khăn lại xin chuyển về Tổng công ty quản lý. Tuy nhiên, trong khó khăn hiện nay, việc đó chẳng khác nào níu nhau cùng chết.

Cùng với xi măng thì thép cũng đang đối mặt với thực trạng dư thừa vì các DN thép đã đầu tư xây dựng các nhà máy có công suất vượt xa dự báo nhu cầu và kế hoạch phát triển dự kiến. Hậu quả là, trong nước không tiêu thụ hết, thép tốn kho, còn xuất khẩu thì càng xuất càng lỗ vì giá thành cao, kém cạnh tranh.

Thực tế việc đầu tư tràn lan, bấp chấp dự báo, xem thường và phá vỡ quy hoạch trong ngành xi măng và thép đã được cảnh báo từ lâu. Thậm chí, có những dự án vi phạm quy hoạch đã bị cơ quan chức năng "thổi còi" tạm dừng để cảnh báo nhưng rồi tất cả lại được hợp lý để tiếp tục xây dựng. Chỉ đến khó khăn như hôm nay, đứng trước nguy cơ phá sản người ta mới ngẫm đến quy hoạch và nhắc lại những lời cảnh báo thì xem ra đã quá muộn. Và cách giải quyết duy nhất là nhất loạt kêu lên Chính phủ để xin hỗ trợ.

Tương tự như thép và xi măng là câu chuyện của BĐS và ngân hàng. Đối với BĐS, dù khẳng định là nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng với việc đầu tư tràn làn, phát triển quá nóng, bất hợp lý về cơ cấu và giá cả đã được cảnh báo sẽ dẫn đến rủi ro. Đặc biệt, với những bất ổn kéo dài đến từ việc đầu tư chụp giật, thiếu nguồn lực nội tại, đầu cơ và làm giá sẽ đẩy thị trường đến tình trạng bong bóng và đổ vỡ. Cảnh báo là thế nhưng không ai thèm để ý khi tất cả đều say sưa với việc dễ dãi kiếm tiền từ những dự án trên giấy hay việc mua đi bán lại với mức giá trên trời. Chỉ đến khi mọi thứ vỡ ra thì BĐS đã rơi vào tình trạng đóng băng và không ít kẻ phá sản.

Tuy nhiên, dường như người ta cũng không máy bận tâm nhìn lại những sai phạm và hậu quả của mình gây ra. Và tất nhiên, người ta cũng dấu nhẹm đi những nguồn lợi hàng trăm hàng ngàn tỷ đã kiếm được trong thời gian qua để nhất loạt kêu cứu lên Chính phủ và các cơ quan chức năng hòng tìm hỗ trợ. Thậm chí, họ còn lấy "quy mô thảm họa" nếu đỗ vỡ BĐS như một lý do buộc phải cứu BĐS để cứu nền kinh tế.

Việc này cũng rõ hơn đối với ngân hàng. Kinh doanh tiền tệ, ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí và thực hiện việc kiểm soát an toàn gắt gao. Thế nhưng,nhiều ngân hàng đã bỏ qua để tìm cách kiếm lợi nhanh nhất, nhiều nhất để thỏa long tham của ngân hàng và những cá nhân có lợi ích. Chỉ riêng trong cho vay đầu tư BĐS và các lĩnh vực nhiều rủi ro khác, ngoài các quy định thì Ngân hàng Nhà nước liên tục có các nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra nhưng tất cả đều bị bỏ qua. Người ta vẫn đổ xô cho vay BĐS, các khoản vay liên quan đến nhà đất, đầu tư chứng khoán và tài chính và các khoản vay rủi ro khác hòng kiếm lợi nhanh và nhiều nhất.

Nhưng rồi hậu quả xấu đã đến, nhiều ngân hàng mất thanh khoản, mất an toàn và nguy cơ đỗ vỡ đe dọa toàn bộ hệ thống và cả nền kinh tế. Dù đã thu lợi cả ngàn tỷ trước đây nhưng đến khi khó khăn thì các ngân hàng lại đổ dồn vào Chính phủ và cơ quan chức năng để đòi hỗ trợ. Và vì sự an toàn chung, Chính phủ đã buộc phải ra tay hỗ trợ các ngân hàng dù điều đó tốn kém chi phí và đánh đổi nhiều quyền lợi của cộng đồng DN và cả nền kinh tế.

Trong khi những câu chuyện trên chưa hết nóng thì người ta đang tìm cách xới lại câu chuyện sân golf với những lý lẽ bảo vệ và không ít lời đề xuất tiếp tục cho phát triển đi ngược lại với những lo ngại và cảnh báo trước đây.

Dường như người ta đang quên đi thực tế bội phát sân golf trước đây khiến Chính phủ đã phải thổi còi, loại bỏ hàng chục sân golf ra khỏi danh mục đầu tư hàng chục sân golf vì những bất hợp lý và nguy cơ mà nó có thể gây ra. Thậm chí, giờ đây, có không ít người đang cố tình tìm mọi lý lẽ để kêu oan cho sân golf như một cách "lobby" cho hàng loạt sân golf mới đề xuất nằm ngoài quy hoạch mà các địa phương đang muốn triển khai. Trong khi đó, người ta dường như đã quên đi những cảnh báo trước đây. Cũng xin nhắc lại, cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 4/2012, Thủ tướng chính phủ đã có Chỉ thị 11/2012 nêu rõ sân golf muốn được cấp phép phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, các tỉnh muốn được bổ sung dự án sân golf cũng phải lập dự án, nêu sự cần thiết, không dùng đất lúa, kể cả lúa một vụ..

Những câu chuyện của xi măng, sắt thép cho đến BĐS và ngân hàng một lần nữa nhắc lại bài học về việc đầu tư chạy theo lợi nhuận trước mắt, bất chấp các quy hoạch, chiến lược và cảnh báo đã được đưa ra. Chỉ đến khi hậu quả đã rồi khi thì đã quá muộn. Trong khó khăn, hơn lúc nào hết, việc rút kinh nghiệm từ những bài học thất bại như thế để tập trung nguồn lực cho nhưng khu vực tạo ra động lực phát triển ổn định, an sinh bền vững hơn là chạy theo những cơn say lợi nhuận của những nhóm lợi ích cần được một lần nữa nhắc lại.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.