Chung cư là loại hình nhà ở khá phổ biến và có tốc độ tăng trưởng nhanh tại các đô thị lớn của Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh những mặt tích cực, hàng loạt các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột lợi ích khiến cho công tác quản lý gần như rơi vào bế tắc, trong khi các quy định điều chỉnh của pháp luật lại chưa theo kịp. Đâu là mô hình quản lý chung cư thật sự hiệu quả, phù hợp vẫn là câu hỏi lớn, chưa có lời đáp không chỉ với TP Hồ Chí Minh…

Người dân chung cư Tân Mỹ (quận 7) tá hỏa khi chung cư xuống cấp rất nhanh.


Là thành phố có số dân đông nhất cả nước, nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh càng ngày càng trở nên bức thiết. Với những tiện ích, ưu thế nhất định, nhà chung cư là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đến khi dọn đến ở, hàng loạt những bất cập tồn tại phát sinh khiến nhân dân lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười".

Cơ sở vật chất xuống cấp

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.400 chung cư, trong đó có cả những chung cư được xây dựng từ trước năm 1975. Chung cư TP Hồ Chí Minh được chia thành 2 loại: cao cấp và bình dân, được phân chia tùy theo loại hình mỗi căn hộ cụ thể. Lý do khiến nhiều người chọn mua chung cư một phần là vì rẻ hơn so với mua đất làm nhà và một phần tin vào những tiện ích sinh hoạt mà các chủ đầu tư cam kết khi chào bán. Thế nhưng, chỉ tại chung cư cao cấp, chất lượng, cư dân mới có thể dễ dàng tiếp cận tiện ích hiện đại trong không gian thoáng đãng, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi của các loại phương tiện giao thông. Còn trên thực tế tại phần nhiều khu dân cư đang diễn ra hàng loạt những vấn đề bất cập.

Tại chung cư 4S RiverSide Linh Đông, quận Thủ Đức (chung cư 4S), hồ bơi, công viên, đường chạy bộ… vẫn chưa hoàn thiện; vật liệu xây dựng ngổn ngang và đầy bụi bẩn. Phía trong, hành lang chung cư chưa được lắp lan can... Còn tại chung cư Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7), người dân không ngớt phàn nàn về chất lượng cơ sở hạ tầng. Năm 2010, hàng trăm gia đình thuộc diện tái định cư ở quận 8 cùng lúc nhận tin vui khi được bố trí vào ở tại chung cư Tân Mỹ, nằm trong lòng khu vực đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại. Nhiều người thậm chí rơi nước mắt vì ngay trước thềm năm mới, họ được giã từ cuộc sống ven kênh rạch hôi thối, lụt lội để vào ở khu đô thị mới. Tuy nhiên, khi được sống trong chung cư mới rồi, họ lại "thèm" được quay lại chốn cũ. Dù chỉ mới đưa vào sử dụng hơn một năm nay nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Trước khi nhận nhà, cư dân háo hức bao nhiêu thì khi về ở tỏ ra thất vọng bấy nhiêu. Lời quảng bá, giới thiệu về một cao ốc hiện đại đâu không thấy mà chỉ thấy móng nhà sụt lún, gãy ngang gãy dọc tạo thành vệt nứt dài. Bên trong, thang máy của chung cư thường xuyên trục trặc, lúc sử dụng được lúc không. Nhiều người đang trong thang máy không ít lần hoảng hốt vì không mở được cửa, phải gọi cứu hộ mới... thoát nạn. Theo phản ánh của cư dân, một chuyện "dở khóc, dở cười" nữa xảy ra ở đây là luôn phải... đội nón bất kể mưa hay nắng do xuất hiện tình trạng rò rỉ nước nhiều nơi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các cư dân.

Chịu chung bức xúc như những hộ dân sống tại các chung cư kể trên, cư dân Chung cư Ehome 3 (Bình Tân) cũng đang trong tình trạng khốn đốn. Ehome 3 là một chung cư khang trang, hiện đại, được đưa vào sử dụng cách đây không lâu, nhưng cứ mỗi khi trời mưa, chung cư bỗng biến thành một "ốc đảo", ba bề, bốn bên trắng nước. Mùa mưa, đoạn đường dài từ Ehome 3 đến đường Hồ Học Lãm, Võ Văn Kiệt ngập nặng. Xe máy và ô tô gầm thấp không thể đi qua khu vực này. Những ngày trời mưa lớn, người dân sống ở chung cư này phải vật vã cả tiếng đồng hồ mới ra khỏi đoạn đường ngập lụt chỉ dài vài trăm mét. Nhiều người đi làm trễ giờ, học sinh đến lớp muộn, xe cộ hỏng hóc là chuyện không thể không xảy ra ở đây.

Mặc dù chủ đầu tư cũng đã có những biện pháp khắc phục như thuê xe buýt chở cư dân qua đoạn đường ngập, thành lập đội cứu hộ ứng trực tại hai đầu đường nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Ba mặt của chung cư Ehome 3 là kênh Phú Định và nhiều đầm nhỏ, chỉ cần triều cường hay mưa lớn cũng đã đủ bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Câu chuyện văn hóa

Bên cạnh chất lượng chung cư, ý thức chung của các cư dân cũng còn hạn chế. Một số cư dân tại 4S RiverSide Linh Đông cho biết, trong những ngày cúng bái, lễ tết, nhiều hộ ở tầng trên "vô tư" đổ gạo, muối, bánh mà không cần biết phía dưới có người qua lại hay không. Một bảo vệ tại chung cư than thở: "Nhiều người rất thiếu ý thức, đỗ xe không đúng quy định. Chúng tôi nhắc nhở thì cự cãi mà không nhắc họ thì bị khiển trách vì làm việc không tới nơi tới chốn. Chúng tôi bức xúc lắm, đã nhiều lần đề nghị trong các cuộc họp là phải chấn chỉnh ý thức người dân, nhưng đâu lại vào đấy".

Trong khi đó, rất nhiều cư dân tại 4S lại ca thán về thái độ của bảo vệ chung cư. Anh T (một cư dân 4S) cho biết: "Gần đây mấy đứa em tôi ở quê vào thăm khi đi đến thang máy thì bị bảo vệ chặn lại. Em tôi nói lên căn hộ được chỉ dẫn, bảo vệ nhất định không chịu cho. Mấy đứa em tôi yêu cầu đã đến thang máy rồi nếu không tin thì đi lên cùng, thế là bị bảo vệ chửi mắng nên buộc tôi phải xuống. Chúng tôi bỏ tiền mua nhà, trả chi phí dịch vụ mà chẳng được phục vụ", anh T bức xúc.

Khó chịu không kém gì anh T, anh Trần Khánh Lâm phàn nàn, cuối năm 2014, anh thắc mắc với Ban quản lý về các khoản phí tăng vô lý và yêu cầu có văn bản chứng minh đơn giá của nhà máy nước Thủ Đức nhưng không được trả lời. "Tôi có nói rõ là tôi đồng ý đóng tiền nước theo quy định nhà nước đầy đủ, chỉ cần văn bản giải thích rõ ràng các khoản phí. Nhưng Ban quản lý lại lặng lẽ cắt nước của gia đình tôi với lý do là không đóng tiền. Nói thật là tiếng nói của cư dân không có trọng lượng với Ban quản lý này đâu", anh Lâm phàn nàn...
Tiến Thành (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.