Tranh chấp giữa cư dân với ban quản trị do chính họ bầu ra là một dạng tranh chấp mới phát sinh ở các chung cư.

“Ban quản trị chung cư (BQT) lô M Bàu Cát 2 tăng phí quản lý mà không thông qua hội nghị cư dân khiến nhiều người phản ứng. Mâu thuẫn kéo dài cả năm nay và sắp tới chúng tôi phải đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư để xử lý nhằm tránh xảy ra xung đột” - ông Huỳnh Văn Bé, Chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM, đề cập với Pháp Luật TP.HCM về một dạng tranh chấp mới phát sinh ở chung cư.

Đủ kiểu lạm quyền

Chung cư lô M Bàu Cát 2 hiện có khoảng 260 hộ. Từ giữa năm 2009, các cư dân bầu ra BQT. Nhưng chỉ sau một thời gian, họ phát hiện BQT có hàng loạt khoản chi không rõ ràng, chi quà cáp, bồi dưỡng… cho chính quyền địa phương, PCCC quá nhiều. Đặc biệt, trưởng BQT còn tự ý rút 500 triệu đồng từ quỹ bảo trì của chung cư để sử dụng sai mục đích.

Tới gần cuối tháng 1-2013, hội nghị nhà chung cư được tổ chức để bầu BQT mới. Nhiều thành viên trong tổ kiểm tra (đã phát hiện các sai phạm của BQT cũ) được tin cậy bầu chọn, như bà Lâm Quỳnh Hoa giữ chức trưởng ban, bà Nguyễn Thị Kim Anh làm phó ban. Nhưng không lâu sau, nhiều cư dân lại kiến nghị UBND phường xem xét tư cách và xử lý các vi phạm của BQT mới.

Sự việc bắt đầu từ khi BQT mới tự thỏa thuận mức phụ cấp cho các thành viên mà không thông qua hội nghị nhà chung cư. Tổng lương, phụ cấp, tiền điện thoại cho năm thành viên BQT hằng tháng là 15 triệu đồng. Kế đến, BQT họp bỏ phiếu kín quyết định tăng phí quản lý chung cư kể từ giữa tháng 5-2013.


Cần có hành lang pháp lý cụ thể hơn mới hy vọng sớm giải quyết các tranh chấp trong chung cư. Trong ảnh: Cư dân một chung cư đang vây chiếm chốt bảo vệ của chủ đầu tư. Ảnh: MP

Nhiều cư dân còn cho rằng khi kiểm tra BQT cũ, tổ kiểm tra (có bà Hoa, bà Anh) yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm việc BQT ký các hợp đồng giá trị trên 100 triệu đồng mà không thông qua ý kiến cư dân. Vậy nhưng BQT mới lại “đi vào vết xe đổ” đó khi ký hợp đồng bảo trì thang máy trị giá 210 triệu đồng mà không thông qua hội nghị nhà chung cư, cũng không tổ chức đấu thầu.

Lúng túng xử lý

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, có ít nhất 10 hộ không chịu đóng phí để phản ứng việc BQT tự xây dựng mức dịch vụ mới đã bị cắt nước sinh hoạt. Ông Hoàng Văn Định (căn hộ 10.01) còn phản ánh trong quá trình xác minh các sai phạm của BQT, vợ ông nhận được điện thoại cảnh báo sẽ bị “đập bể sọ”. Tương tự, ông Lê Huy Long (căn hộ 1.10) cũng gửi đơn đến Công an quận Tân Bình, Công an TP.HCM để tố cáo một số thành viên BQT hăm dọa những cư dân phản đối.

Trước tình hình trên, các cư dân nhiều lần kiến nghị phường, quận làm rõ các vi phạm của BQT mới và tổ chức lại hội nghị nhà chung cư. Được biết tại hội nghị “lật đổ” BQT cũ cách đây hơn một năm (có chủ tịch UBND phường 10 tham dự), cư dân đã đề nghị phường xử lý sai phạm của BQT cũ nhưng đến nay phường vẫn chưa giải quyết.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Bé, Chủ tịch UBND phường 10, cho hay: Mâu thuẫn ở lô M đã xảy ra hơn một năm qua, bắt đầu từ việc BQT mới thông báo cắt nước để gây sức ép buộc cư dân đóng phí dịch vụ chung cư theo mức mới. “Theo quy định, việc tăng phí phải thông qua ý kiến cư dân nhưng BQT chỉ phát thông báo, lấy ý kiến gián tiếp rồi quyết tăng phí. BQT còn tự ý xây dựng mức phụ cấp, sử dụng quy chế cũ… Do vậy, sắp tới phường sẽ lập tổ thanh tra nhân dân để làm rõ những nội dung phản ánh của cư dân” - ông Bé nói.

Cũng theo ông Bé, mâu thuẫn giữa cư dân và BQT do chính họ bầu là một dạng tranh chấp mới phát sinh. Theo quy định, việc bầu hay miễn nhiệm BQT phải thông qua hội nghị nhà chung cư hợp lệ (có trên 50% chủ sở hữu và người sử dụng tham gia - NV). Trong khi ở chung cư lô M “tôi đã nhiều lần tham dự hội nghị nhà chung cư và cao nhất chỉ 84/260 hộ tham gia. Như vậy, BQT hiện nay được bầu tại hội nghị không thỏa mãn quy định của Bộ Xây dựng. Nhưng việc chờ đủ số lượng theo quy định thì rất khó, còn tổ chức hội nghị bất thường lại càng khó khăn hơn” - ông Bé phân trần.

Minh Phong (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.