Trao đổi với PV Lao Động chiều 22.9, ông Lưu Văn Kính (ảnh) - Trưởng phòng Mua bán nợ (Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN - DATC) - cho biết, hoạt động xử lý nợ tại NH Phát triển VN (VDB) bao gồm việc xử lý khoảng 400-500 khoản nợ của trên 100 DN, tương đương mỗi DN có khoảng 3-5 khoản nợ. Giá trị các khoản nợ mua khoảng 8.000 tỉ đồng.

Trong qua trình xử lý các khoản nợ nói trên, việc xử lý các khoản nợ của khối DN nào là khó nhất, thưa ông?

Khó nhất là khối giao thông và xây dựng. Điều này xuất phát từ việc các DN xây dựng làm công trình giao thông, hạ tầng theo kinh phí của Nhà nước cấp. Nhưng hiện nay, việc bố trí kinh phí cho hạ tầng tại các địa phương đang rất khó khăn. Dù có kế hoạch, nhưng nguồn tiền bố trí lại không kịp thời. Với các DN ngành xây dựng thì gặp phải vấn đề về thị trường. Các DN xây dựng thì hầu như DN nào cũng làm về BĐS. Nhưng thị trường BĐS hiện nay rất trầm lắng, việc bán hàng vô cùng khó khăn, nên việc trả nợ cũng khó.

Nhiều khoản nợ gắn với nguồn ngân sách, DATC đã có phương án xử lý các khoản này như thế nào?

Việc xử lý các khoản nợ tại VDB hiện nay, Bộ Tài chính cũng vào cuộc rất tích cực. Tuy nhiên, do những khó khăn về cơ chế thì phải cần có sự tháo gỡ của Chính phủ. Bởi trước đây, các khoản nợ này là cho vay theo kế hoạch của Chính phủ thì hiện nay, khi xử lý các khoản nợ này cũng phải báo cáo lên Chính phủ để tìm hướng giải quyết. Việc xử lý chỉ thu được một phần nào thôi, phần còn lại phải lấy từ nguồn nào đó, do nguồn tài chính dự phòng của VDB là rất ít. Nếu yêu cầu ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho việc này thì rất khó. Trường hợp này không giống như các NHTM khác, vì các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu nên việc xử lý nợ sau đó thuận hơn. Còn ở VDB, do vấn đề về nguồn để xử lý nên có nhiều khó khăn.

Trong số khoảng 500 khoản nợ trên, DATC đã xử lý được bao nhiêu khoản thưa ông?

HIện nay, chúng tôi đã và đang xử lý được các khoản vay nợ của trên 50 DN với giá trị khoản nợ đã xử lý trên 10.000 tỉ đồng. Thực tế khi mua nợ, chúng tôi đã tiến hành đánh giá tình trạng của từng DN về cơ cấu tổ chức, tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh... nên khi xử lý các khoản nợ này gần như không có gì thay đổi lắm so với đối chiếu của ngân hàng. Tuy nhiên, cũng phát sinh thêm các khoản nợ giữa các DN trên với nhau do các DN này mua bán, tiêu thụ hàng hóa của nhau, nên cũng phát sinh thêm nợ đọng. Chúng tôi cũng đã lưu ý để xử lý vấn đề này.

Trước đó, việc xử lý các khoản nợ yêu cầu DATC phải mua hoàn toàn bằng tiền mặt. Điều này có gây khó khăn cho DATC khi xử lý nhiều khoản nợ xấu có giá trị lớn?

Điều này là hạn chế từ mô hình của DATC. Hiện DATC mua nợ hoàn toàn bằng tiền mặt, nên có khá nhiều hạn chế và rủi ro. Rủi ro thứ nhất là DATC có thể không thu lại được khoản tiền ban đầu trả cho người bán, giá vốn xử lý nợ cao hơn do phải tính cả tiền lãi suất trên số tiền bỏ ra trả cho người bán. Bản thân bên bán cũng khó ra quyết định, vì sợ có thể giá bán thấp hơn giá trị thực tế của khoản nợ có thể thu hồi. Các NH còn phải ghi nhận lỗ ngay khi bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách, trong khi không được chia sẻ lợi nhuận trong trường hợp DATC xử lý thành công. Mặt khác, khi dùng tiền mặt để giao dịch thì nguồn lực tài chính của DATC dùng để tái cơ cấu tài chính và hoạt động của chủ nợ sẽ bị giảm xuống.

Do quy mô hoạt động của DATC chưa được lớn, nguồn lực tài chính hiện tại của DATC có thể đầy đủ tài trợ cho các hoạt động nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nếu DATC tham gia sâu hơn vào chương trình cải cách DNNN thì không chỉ trong việc thu mua nợ xấu và các tài sản nhàn rỗi, mà còn trong việc tái cơ cấu DN cũng sẽ cần có một nguồn lực tài chính lớn hơn nhiều.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lưu Thủy (Báo Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.