Thời gian qua, các doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM dường như đã tìm đủ mọi cách nhằm giải quyết hàng tồn, song những nỗ lực này chưa đem lại hiệu quả.

Dự án BMC Hưng Long ở quận 7 đang trong tình trạng dở dang

Có thể nói, chưa lúc nào thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM khó khăn như hiện nay, khi phần lớn các dự án căn hộ xây dựng dở dang trên địa bàn TP.HCM đều ngừng xây dựng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết các chủ đầu tư đều có chung câu trả lời: “Hết tiền để xây tiếp”.

Ở một góc độ khác, nhìn vào những con số được công bố trong các báo cáo tài chính (tính đến tháng hết tháng 6/2012) của các doanh nghiệp BĐS, có thể thấy được khó khăn của thị trường bất động sản lớn đến mức nào.

Theo báo cáo tài chính của Công ty Quốc Cường Gia Lai, tính đến tháng 6/2012, lượng hàng tồn của doanh nghiệp này có giá trị lên đến 2.846 tỷ đồng; của Công ty BĐS Sacomreal hơn 2.700 tỷ đồng; của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà - ITC hơn 1.813 tỷ đồng, Công ty BĐS Phát Đạt hơn 4.400 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nhận xét, phần lớn lượng hàng tồn trong lĩnh vực BĐS thuộc về các doanh nghiệp trước đây đầu tư vào các dự án căn hộ cao cấp. “Các dự án này không bán được sản phẩm vì 2 lý do chính, là đơn giá đầu tư quá cao và diện tích căn hộ lớn, dẫn đến giá trị một căn hộ quá cao”, ông Đực nói và phân tích thêm, thời gian qua, trong số các dự án căn hộ cao cấp, có dự án đã giảm giá từ 30 đến 50% so với cách đây 2 năm, nhưng vẫn không bán được hàng.

Theo ông Đực, phần lớn trong số hơn 47.000 căn hộ chưa bán được ở TP.HCM là căn hộ có giá trị lớn hơn 2 tỷ đồng/căn.

Tại một hội thảo về BĐS tổ chức ở TP.HCM gần đây, tia hy vọng đã hé ra, khi ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM có thể sẽ đứng ra dùng vốn ngân sách mua lại một số dự án của các doanh nghiệp BĐS để làm quỹ nhà ở. Song nhiều doanh nghiệp nhận xét, giải pháp này rất khó thực hiện.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cho rằng, việc Thành phố dùng tiền ngân sách mua lại các dự án sẽ rất khó thực hiện, do thủ tục nhiêu khê, phức tạp...

“Để giải quyết được hàng tồn, trước hết, bản thân các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc giá bán căn hộ hợp lý. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, cho các doanh nghiệp đang đầu tư dự án dở dang được vay vốn, với lãi suất hợp lý hơn, đồng thời có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người mua nhà. Hiện các ngân hàng thông báo đã mở cửa cho người mua nhà vay vốn, nhưng chỉ cam kết lãi vay từ 3 đến 6 tháng, sau đó thả nổi, nên nhiều người mua nhà không yên tâm vay vốn”, ông Hiếu nói và kiến nghị thêm, Nhà nước có thể thông qua việc hợp tác với các ngân hàng để trở thành một nhà tiêu thụ lớn, mua lại các dự án hợp lý của các doanh nghiệp, bán lại cho các đối tượng có nhu cầu nhà ở là công chức, viên chức… nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hàng tồn nhiều, chứng tỏ tính thanh khoản của doanh nghiệp, thị trường rất kém, độ hấp thụ rất thấp... Bất động sản là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề khác, do vậy, đầu ra của các doanh nghiệp BĐS lại là đầu vào của các doanh nghiệp ngành khác. Hàng tồn tăng cao nghĩa là nền kinh tế đình đốn, trì trệ, tốc độ tăng trưởng của quốc gia sụt giảm, là dấu hiệu của giảm phát.

Để giải quyết hàng tồn, cần có giải pháp tổng lực, phải kích đầu ra - tức là kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, chính sách tín dụng với lãi suất hợp lý...

Theo Tăng Triển (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.