Con số vừa được công bố cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh, nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đang nợ TP Hà Nội khoản tiền khổng lồ hơn 4.000 tỷ đồng. TP cho biết, nếu doanh nghiệp (DN) tiếp tục cố tình chây ỳ, sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi số nợ tồn đọng nộp ngân sách Nhà nước.

Vay tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến độ giao nhà chậm chễ khiến doanh nghiệp BĐS
luôn lâm vào cảnh khó khăn về vốn (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp, cá nhân đều nợ

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường, huyện này hiện còn khoảng 178 tỷ đồng đấu giá đất thương phẩm từ năm 2008 tới nay chưa thu. Ngoài ra, còn khoảng 413 tỷ đồng tiền sử dụng đất của các dự án đô thị đang bị các DN “om”. Có thể kể ra hàng loạt các DN đang nợ nhiều như Công ty TNHH Hoàng Vân, nợ 41,9 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 18 đang nợ hơn 64,4 tỷ đồng; Công ty CP vận tải biển và bất động sản Hải Việt nợ 136,9 tỷ đồng... Ngoài Mê Linh, một số địa bàn nóng khác như Long Biên, Từ Liêm, Hà Đông... cũng đang có số nợ tiền đất khá lớn.

Thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tổng số tiền thuế còn nợ đọng đến 31-5-2012 của toàn thành phố là 12.649 tỷ đồng. Trong đó, khoản lớn nhất là các món nợ liên quan đến đất: 4.063 tỷ đồng! Trong đó, nợ tiền sử dụng đất của các dự án chiếm đa số, tới gần 3.100 tỷ đồng (bao gồm cả 1.800 tỷ tiền sử dụng đất của các dự án đang vướng mắc về GPMB phải xác định lại nghĩa vụ tài chính theo Nghị định số 120/NĐ-CP của Chính phủ). Số còn lại là các khoản nợ tiền thuê đất, thuế nhà đất, khoảng 963 tỷ đồng.

Theo giải thích của cơ quan chức năng TP Hà Nội, nợ tồn đọng liên quan tới đất đai lớn như vậy là do các đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có tiền nộp ngân sách Nhà nước. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường BĐS trầm lắng, lãi suất cho vay cao, ngân hàng thắt chặt cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS... đã làm doanh nghiệp DN “mắc kẹt” trong việc bán hàng, huy động vốn. Trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt đó, số tiền sử dụng đất lại phải nộp ngay một lần sau khi đủ điều kiện huy động vốn đã khiến nhiều DN không đủ năng lực tài chính đã phải chậm nộp, nợ đọng tiền sử dụng đất.

Cưỡng chế thu nợ

Theo phân tích của UBND TP Hà Nội, nhà đầu tư phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho công tác GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, móng công trình để được ký hợp đồng mua bán nhà, chi phí tiếp thị lớn… mà nguồn vốn chủ yếu nhà đầu tư... đi vay ngân hàng. Vì thế, 100% các DN thường cân nhắc, “ưu tiên” nguồn vốn cho chi phí xây dựng công trình. Việc thanh toán cho Nhà nước đương nhiên bị xếp xuống hàng thứ yếu và nhiều DN coi việc nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là bình thường. Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh lại quy hoạch nên hạ tầng kỹ thuật chưa xong, vì vậy người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất. Cùng lúc, một số dự án khác lại đang vướng mắc về GPMB, phải xác định lại nghĩa vụ tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất. Việc giao đất, GPMB chậm tiến độ cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp nợ đọng tiền đất.

Dự báo thị trường BĐS đang và sẽ còn trong tình trạng trầm lắng, các DN BĐS đang rất khó khăn, UBND TP cho biết, các ngành chức năng đã tham mưu việc giãn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính Phủ theo nguyên tắc vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa đảm bảo dự toán thu ngân sách Nhà nước.

TP yêu cầu tiếp tục phân loại nợ và nguyên nhân nợ. Từ đó, TP đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể từ vận động, thuyết phục, phạt chậm nộp đến việc tiếp tục chủ động đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng những doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất. TP nhấn mạnh, sẽ rà soát phát hiện các dự án “treo”, còn nợ tiền đất để xử lý nghiêm theo quy định của Luật đất đai. Nếu phát hiện những DN cố tình chây ỳ, không nộp tiền đất có tính điển hình, TP sẽ cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Trường hợp phát hiện DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sẽ lập hồ sơ chuyển các cơ quan pháp luật.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.