Trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg (Mỹ) mới đay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chính phủ dự kiến sẽ phá giá tiền đồng tối đa là 2% từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh bao nhiêu còn tùy thuộc vào diễn biến thị trường.

Bao giờ và bao nhiêu

Trước đó, việc từ nay đến cuối năm 2013, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu đã được nhiều người dự báo và được khá nhiều DN kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với USD. Đồng nội tệ hiện bị đánh giá cao khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn.

Vì vậy, cần thực hiện phương án chủ động phá giá tiền đồng (VND) khoảng 3 - 4% trong cả năm, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%. Nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã cam kết tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 3%. Hiện tại tỷ giá mới điều chỉnh 1% nên vẫn còn dư địa, có thể điều chỉnh thêm nữa.

Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ gây nhiều tác động tới giá cả trong nước. Theo các tính toán, nếu đồng VND bị mất giá 1% so với USD sẽ làm giảm giá xuất khẩu khoảng 0,21%, nhưng lại gây tăng giá nhập khẩu 0,49%.

Các mặt hàng phải nhập khẩu nhiều như xăng dầu cần lượng ngoại tệ lớn, chỉ cần tỷ giá nhích lên một chút là thua lỗ và tăng giá ngay.

Ngoài xăng là điện. Hiện nợ nước ngoài bằng ngoại tệ của EVN khá lớn và chỉ cần tỷ giá tăng 1 chút thì số tiền trả nợ cũng sẽ tăng thêm tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, giá các nguyên liệu phục vụ cho chế biến thức ăn gia súc, dược phẩm, phân bón... chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.

Nếu phá giá VND việc tăng giá các mặt hàng này là khó tránh khỏi. Những sản phẩm này lại là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ, khi tăng giá sẽ làm cho nhiều mặt hàng đồng loạt tăng theo sẽ làm tăng CPI và gây ra lạm phát.

Có một số ý kiến cho rằng chỉ cần điều chỉnh thêm 1% nữa thì giá USD trần tại các ngân hàng sẽ lên tới 21.458 đồng. Như vậy USD trên thị trường tự do có thể lên cao hơn, điều này sẽ gây ra nhiều tác động.

Trong khi đó thời điểm cuối năm, nhu cầu về USD đang cao do người dân mua vào chuẩn bị đi du lịch ra nước ngoài dịp Tết Nguyên đán, các gia đình có con em đi du học cũng cần USD đóng học phí đợt 2.

Đây cũng là lúc DNvào mùa cao điểm thanh toán, ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải chi tiêu dự trữ ngoại tệ để nhập khẩu vàng tạo nguồn cung vàng miếng cho thị trường... Điều này cũng có thể khiến tỉ giá USD/VND bị đẩy lên.

Những hệ lụy

Một số ý kiến cho rằng những thông tin trên đã tác động tới tâm lý diễn biến của thị trường ngoại tệ, tạo ra sự kỳ vọng vào tín hiệu ngoại tệ tăng. Từ đó các DN, ngân hàng và người có USD không vội bán ra, găm giữ, chờ đợi giá lên khiến cho nguồn cung khan hiếm.

Khi DN kìm lại, không bán ra thì sẽ gây bất lợi cho các cân đối và chi phí của ngân hàng.

Theo thông kê, hiện tượng găm giữ ngoại tệ thể hiện rõ ở khối khách hàng DN, khi tăng đột biến từ 7,76% trong tháng 5 lên 13,34% trong tháng 6 và tiếp tục lên 16,96% trong tháng 7 so với cuối năm 2012. Tốc độ này đã giảm đáng kể còn 15,51% vào tháng 8, tuy nhiên với những thông tin này lại rất có thể tăng lên.

Về phía các ngân hàng thì tình hình chung hiện nay là tiền đồng dư nhiều và lãi suất quá thấp, ngân hàng có nhu cầu ngắm đến USD như một hướng đầu tư và lực cầu ngoại tệ sẽ mạnh thêm khi tỷ giá thay đổi.

Các dự báo cho biết, chưa cần điều chỉnh thì tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cuối năm cũng có thể tăng lên khoảng 21.300 -21.500 đồng và sang đầu năm 2014 tăng lên 21.750 đồng.

Khi tỷ giá tăng, các DN sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh và các hợp đồng kinh tế, gây tốn kém tiền bạc và nhiều bất lợi khác. Ngay cả các DN xuất khẩu cũng chưa chắc đã hưởng lợi bởi nhiều DN vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra nếu tăng tỷ giá 2% có thể khiến người dân chuyển từ VND sang USD gửi tiết kiệm và mục tiêu chống đô la hóa khó thực hiện được.

Do đó, điều chỉnh tỷ giá tăng với tốc độ nhiều hay ít cần dựa trên những tính toán kinh tế vĩ mô để có thể giữ cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, hạn chế lạm phát.

Trần Thủy (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.