Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nền kinh tế trong nước trong những tháng còn lại của năm 2013 vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, sức ép tăng giá của các mặt hàng thiết yếu đã giảm. Trong khi đó, việc tăng viện phí và học phí là hai yếu tố áp lực đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Tại báo cáo tình hình giá cả thị trường vừa được công bố, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4 có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá.

Tại báo cáo tình hình giá cả thị trường vừa được công bố, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4 có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được kiểm soát hoàn toàn, khô hạn và xâm ngập mặn đang diễn ra tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ảnh hưởng đến sản xuất, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng biến động mang tính mùa vụ do nhu cầu tăng trong các dịp Lễ giỗ Tổ, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Thêm vào đó, tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước ở một số địa phương. Dự kiến tháng 4, Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04.

Tuy nhiên, trong tháng 4 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đó là giá nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới sẽ chỉ biến động nhẹ. Cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động. Giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự báo mặt bằng giá thị trường tháng 4 tăng nhẹ so với tháng 3.

CPI của 3 tháng đầu năm đã ở mức 2,39%, chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (khoảng 6-6,5%) của cả năm mà Chính phủ đề ra. 9 tháng còn lại của năm 2013, bên cạnh các yếu tố tác động như giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, bão lũ, dịch bệnh có thể xảy ra thì 2 yếu tố có khả năng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Yếu tố thứ nhất là các tỉnh thành phố sẽ tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) theo Thông tư liên tịch 04. Thứ hai là nhiều tỉnh thành phố trong cả nước có khả năng sẽ tăng học phí năm học 2013- 2014 theo Nghị định 49.

Trong các mặt hàng thiết yếu, lúa gạo là mặt hàng có diễn biến giá đáng chú ý nhất thời gian qua. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về tình hình mua tạm trữ, tính đến ngày 21/3, các doanh nghiệp đã thu mua được 932.968 tấn quy gạo, đạt 93,3% so với kế hoạch.

Đồng thời, Việt Nam cũng xuất khẩu 1,098 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt 486,3 triệu USD, giá FOB bình quân khoảng 442,9 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, số lượng xuất khẩu tăng 18,25%, trị giá FOB tăng 6,65% nhưng giá bình quân lại giảm 48,2 USD/tấn. Đến 21/3, tồn kho gạo trong doanh nghiệp cả nước ước đạt 1,93 triệu tấn.

VFA dự báo, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn do nhu cầu gạo thế giới thấp, trong khi tồn kho nhập khẩu trong năm 2012 còn khá lớn. Do đó, giá thóc gạo giảm trong thời gian tới.

Trên thị trường thực phẩm tươi sống, đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, giá thịt lợn và thịt gia cầm đều giảm trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đàn gia cầm và gia súc cũng giảm nhẹ. Xem xét sức cung và cầu trên thị trường, Tổ điều hành thị trường dự báo, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong thời gian tới sẽ tiếp tục có xu hướng giảm dần do thời tiết ngày càng nắng nóng hơn, nhu cầu tiêu dùng thấp, nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu.

Về mặt hàng đường, tính đến ngày 15/3, các nhà máy đường đã sản xuất được 1.055.090 tấn đường. Tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 15/3 là 448.110 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 82.110 tấn. Nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2013 đối với đường là 73.500 tấn. Quý I cũng là thời kỳ cao điểm của vụ sản xuất, nguồn cung dồi dào và tồn kho lớn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này ở mức thấp. Giá đường giảm dần trong quý I/2013.

Tháng 4, sản lượng đường sẽ giảm so với tháng 3 nhưng vẫn có khả năng đạt khoảng 200.000 tấn/tháng và nguồn cung tiếp tục dồi dào cả về khối lượng và chủng loại. Cùng với nhu cầu tiêu dùng đường gia tăng vào mùa hè và Bộ Công Thương giải quyết cho xuất khẩu đường kính trắng qua cửa khẩu phụ Bản Vược, nên áp lực tồn kho tại các nhà máy được sẽ được giải tỏa đáng kể. Đồng thời, việc chống buôn lậu tại An Giang gần đây tích cực nên tình trạng nhập lậu có dấu hiệu giảm. Dự báo giá đường trong nước thời gian tới sẽ tăng nhẹ.

Trên thị trường vật liệu xây dựng, diễn biến giá cả các mặt hàng chủ yếu ở xu thế ổn định nhờ cung cầu cân đối. Theo Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành xi măng tăng trong những tháng đầu năm do nhu cầu sử dụng xi măng tăng khi bước vào mùa xây dựng.

Sau đợt điều chỉnh giảm giá tháng 7/2011, giá bán của các công ty sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam nhìn chung ổn định trong cả năm 2012 và 2 tháng đầu năm. Từ 1/3, để tăng khả năng cạnh tranh và ổn định thị trường tiêu thụ, giá bán xi măng được điều chỉnh giảm từ 57.000 – 88.000 đồng/tấn. Đầu tháng 4 đến nay, giá xi măng ổn định.

Dự báo trong thời gian tới, xu hướng ổn định vẫn tiếp tục đối với giá cả mặt hàng này. Với mặt hàng thép, mặc dù giá phôi thép trong quý 1 tăng nhẹ nhưng các công ty thép vẫn giữ ổn định giá bán. Dự báo, giá thép xây dựng tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Lê Hường (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.