Thời tiết hanh khô, nắng nóng đe dọa an toàn rừng, ruộng mía, nhưng những lò gạch trên lại vào thời điểm “làm ăn” tấp nập nhất. Xã Ninh Xuân, H. Ninh Hòa (Khánh Hòa) là một trong nhiều nơi như thế. “Lò gạch cũ” trong tiểu thuyết của nhà văn Nam Cao, không ai không biết, nhưng lò gạch cũ trong đời sống ngày nay, tin chắc nhiều người chưa biết đến tường tận ngóc ngách.

MỘT THỜI HUY HOÀNG

"Thành lập từ cách đây 17-18 năm, hồi đầu chúng tôi có 4 gia đình, nhưng giờ trong thôn này có khoảng 30 gia đình làm nghề sản xuất gạch. Hồi trước chỗ này toàn là rừng núi, không phạm đến khu dân cư nên chúng tôi mới xây lò gạch ở đây", ông Trần Khắc Đạo, người thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân cho biết. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đây là vị trí tập trung mật độ lò gạch dày đặc nhất. Mỗi lò gạch chỉ cần qua vài lần đỏ lửa lập tức trở thành… lò cũ . Hình ảnh lò nung cao khoảng 6 mét, thường gắn liền với những mái ngói kéo dài trĩu nặng bên dưới được làm tạm để che mưa nắng…

Nổi lửa, thời gian nung kéo dài 14 tiếng, mỗi lò có thể chứa 12 ngàn viên. Ở đây kỵ nhất là mưa và lò nung không đủ nhiệt lượng. Sau mỗi mùa mưa, người làm gạch đều phải tu sửa lại lò nung. Gạch “đấu” trong bãi, 4 người làm chỉ mất chừng 3 tiếng đồng hồ để đưa gạch vào lò. Có khoảng 20-30 người/ lò, 100 lò tính chung là khoảng 2.000- 3.000 thợ, vốn là nông dân trong thời điểm nông nhàn lao động kiếm thêm.

Lò gạch cũ là nơi bắt đầu cuộc đời và nuôi dưỡng số phận của không ít người dân. Họ xây dựng lò gạch ngay bên cạnh nhà của mình để tiện việc sản xuất kinh doanh. Không thể đếm hết số lượng nhà trong vùng được xây nên từ những viên gạch thời lò nung nơi đây. "Tôi nuôi 3 con ăn học đại học tại các thành phố lớn cũng là nhờ những lò gạch này. Con tôi có người học đại học Y dược 7 năm. Cả xã tôi có khoảng 100 - 120 lò gạch",1 chủ lò thổ lộ. Người dân thôn Phước Lâm, vốn khó canh tác nông nghiệp vì đất núi, đá nhiều nên chuyển đổi phương thức sản xuất sang nghề làm gạch.

Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu từ tháng 6-2014 phải chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nỗi lo lớn của người dân trong vùng vì mưu kế sinh nhai từ nhiều năm nay, giờ đây buộc phải tính đường khác. "Muốn có đất làm gạch, phải có mỏ đất chuyên khai thác, có người nghi ngờ chúng tôi và đặt câu hỏi đất ở đâu làm gạch mà nhiều thế?.

Chúng tôi phải mua đất ầm ầm từ nhiều nơi khác, ở các tỉnh lân cận như Đắc Lắc, Ninh Thuận, Phú Yên. Trước kia tỉnh thường xuyên quy hoạch xây dựng nên chúng tôi cũng có đất rất nhiều. Bây giờ nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm hơn", ông Liêm, người có 30 năm thâm niên làm gạch, nói bằng giọng khàn khàn, trong mùi khét cháy, nồng khô của những lò gạch đang đỏ lửa. Mẻ nung thành công nhất khi sản xuất đủ từ 25-30 ngàn viên, như vậy phải tiêu thụ từ 5-6 xe đất, mỗi xe khoảng 5 khối.

Thôn Phước Lâm với khoảng 30 lò nung đứng trên một khu vực.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ TRÊN HẾT

Cách đây 4 năm, người Ninh Xuân nhiều nơi không còn sử dụng than đá trong việc đốt lò để tiết kiệm năng lượng. “Nguồn nguyên liệu thay thế là bã mía sau khi ép hết đường của nhà máy đường Ninh Hòa gần đây. Chúng tôi mua lại bã mía, cây vườn như cây xoài, cây ổi đã chết khô hoặc mùn cưa, vỏ trấu để bảo vệ môi trường. Ông Đạo nói về sự đổi thay trong nguyên liệu phục vụ nung gạch. Sản phẩm làm ra đã khô sẵn, không cần phải phơi nắng nhiều ngày.

Sản xuất gạch là công việc nặng, người ốm yếu không thể làm được. Đất làm gạch phải tương tự như đất bazan, đất dẻo, có chất nhựa, không có đá, để tiện ép ra viên gạch theo công nghệ mới. Việc mua đất làm gạch không hề đơn giản, phải được thực hiện bởi người làm nghề lâu năm hoặc do các lái xe chuyên chở đất làm gạch đảm đương nhằm tránh nhầm lẫn, lãng phí. Ngày xưa, gạch không đạt chuẩn vì làm bằng tay, thiếu máy móc hiện đại. Khối gạch ngày nay trong khi sản xuất có máy hút chân không, lấy hết nước, ép đống ra gạch, gạch cháy thành hình, khô, màu bạc sẫm.

Lò gạch đang được sửa chữa mái che.

Đất trong vùng, người dân đều sở hữu sổ đỏ. Theo tìm hiểu, sổ đỏ được cấp theo Nghị định 64 về việc đất phục vụ nông nghiệp. Trước câu hỏi “đã xây lò gạch thì liệu có thể tái sử dụng đất cho nông nghiệp hay không?”. Người dân tại đây cho rằng: Sau này, chỉ cần cày xới phần nền xi-măng chiếm diện tích hẹp, đất sẽ hồi sinh, tiếp tục phục vụ mục đích nông nghiệp.

Cơn mưa nhỏ quét ngang đất Ninh Xuân– Ninh Hòa, từ Đắc Lắc vượt đèo Phượng Hoàng trở về, đi hết rừng mía bạt ngàn, sẽ thấy cảnh người dân vất vả mỗi khi cơn mưa đến. Lều bạt, gỗ ván để cố định trên đống đất, đều đã chuẩn bị sẵn. Cơn mưa, đem lại niềm vui cho núi rừng khát cháy, đồng ruộng khô cằn, nhưng lại làm sống dậy nỗi buồn không nhỏ trong tâm trí người làm gạch, gánh thêm nỗi lo đóng cửa lò gạch thủ công trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sinh kế. Đây có thể là những lò gạch thủ công cuối cùng ở Khánh Hòa. Nhiều người làm gạch đã tính đến việc chuyển sang buôn bán nhỏ, xin đất trồng rừng, trồng mía, có thể mở nhà hàng nhỏ hoặc tiếp tục làm gạch với công nghệ mới nhất trên khu đất khác, tập trung với quy mô lớn.

Đức Thọ (Công An Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.