Những ngày qua, tình hình an ninh trật tự tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội khá căng thẳng. Cho rằng UBND quận Hoàng Mai thực hiện không đúng quy định pháp luật khi tiến hành GPMB khu đất trang trại 4506m2 tại xứ đồng Cát Thượng, 16 hộ dân liên tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng để phản đối quyết định cưỡng chế.. Thực tế cho thấy, việc GPMB khu đất trang trại 4506m2 trên còn nhiều vấn đề pháp lý chưa được làm rõ nên đã dẫn đến thực trang căng thẳng nêu trên.

Người dân bức xúc vì không được đền bù thỏa đáng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2000, những hộ dân tại đây có nhận chuyển nhượng một số thửa đất 5% của 21 hộ dân ở phường Trần Phú quận Hoàng Mai, Hà Nội, với diện tích 4506 m2 chiều dài mặt tiền hơn 150 m (mặt đường Pháp Vân), đất ngoài hành lang giải tỏa đã được công ty địa chính Hà Nội xác định tại hồ sơ kỹ thuật.

Diện tích đất chuyển nhượng trên đều được UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không nằm trong quy hoạch. Sau đó, 16 hộ dân đã mất nhiều công sức cải tạo khu vực trên khi vẫn còn là đầm lầy, đất bỏ hoang…nay đã dựng thành nhiều nhà cấp 4, cùng trang trại chăn nuôi gia súc, vườn cây ăn quả, với tổng số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Đến năm 2009, để thực hiện dự án Khu đối ứng C2 nhà mày xử lý nước thải Yên Sở, do công ty Gamuda, Malaysia làm chủ đầu tư, toàn bộ khu đất trên thuộc diện nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng do người nước ngoài đầu tư để xây nhà kinh doanh. Và trong quá trình làm các thủ tục GPMB, 16 hộ dân trên chỉ nhận được phương án hỗ trợ cây trồng, nhà cửa trên đất với số tiền chỉ hơn 400 triệu đồng, không được đền bù, hỗ trợ về đất. Thế nhưng không hiểu sao, UBND quận Hoàng Mai lại xây dựng phương án và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về đất cho 21 hộ dân đã chuyển nhượng khu đất trên cho 16 hộ dân?

Vì vậy, 16 hộ dân đã liên tục làm đơn gửi UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai phản đối phương án trên, đề nghị được đền bù, hỗ trợ về đất, bởi họ mới chính là chủ của khu đất này. Tuy nhiên, đề nghị này không được giải quyết. Ngày 17/12/2012, họ nhận được thông báo cuối tháng 12/2012, UBND quận Hoàng Mai sẽ tổ chức cưỡng chế khu đất này.

Trao đổi với phóng viên, tất cả các hộ dân đều khẳng định: “Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng UBND quận Hoàng Mai và UBND quận Hoàng Mai đã xác định không đúng đối tượng hiện đã và đang sử dụng 4506 m2 đất trên để trả tiền đền bù đất và tài sản trên đất. Bởi vì, về nguồn gốc đất trang trại 45062m2, trước đây là của 21 hộ dân ở xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, là những hộ được nhà nước cấp tiêu chuẩn ruộng 5%, 21 hộ dân trên sử dụng ổn định không có tranh chấp. Năm 2001 các hộ dân trên đã được UBND huyện Thanh Trì cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất 5% trên cùng đất ruộng khoán nông nghiệp theo Nghị Định 64/CP năm 1993. Về phần đầu tư cải tạo xây dựng trang trại, sau khi hoàn thành việc trả tiền cho 21 hộ có ruộng trên chúng tôi đã báo cáo các cấp chính quyền để triển khai tôn tạo đất, xây dựng trang trại. Các cơ quan quản lý đất đai và xây dựng địa phương đã đến kiểm tra, đồng thời ủng hộ việc làm trang trại khang trang như hiện nay của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư ban đầu với số tiền là trên 10 tỷ đồng cho việc phát triển xây dựng trang trại. Về việc thu hồi đất và bồi thường, Ban bồi thường GPMB và UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội đã điều tra hiện trạng nhưng lại coi 16 hộ dân như là người thứ 3 (có quyền lợi liên quan), rồi áp giá đền bù tài sản trên đất cho họ với hơn 400 triệu đồng, không bằng một phần đã đầu tư vào khu đất trên gần 10 tỷ đồng. Còn việc bồi thường về đất và việc hỗ trợ thì Ban bồi thường GPMB và UBND Quận Hoàng Mai, Hà nội đã bỏ qua hoàn toàn quyền lợi của 16 hộ dân. Đối chiếu với Luật đất đai năm 2003 cùng các chính sách của chính phủ Việt Nam cũng như quyết định của UBND TP Hà nội quy định cho thấy 16 hộ dân có đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ về đất”.

Chính vì vậy, 16 hộ dân đề nghị UBND Q. Hoàng Mai: “Cho dừng ngay việc trả tiền bồi thường về đất cho 21 hộ đã nhượng đất, xác định đúng đối tượng sử dụng đất là 16 hộ dân theo quy định của pháp luật. Dừng việc cưỡng chế để giải quyết, trả lời khiếu nại của người dân”.

UBND quận Hoàng Mai làm sai luật?

Theo Luật sư Lê Đức Thắng, Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự, vấn đề mấu chốt ở đây chính là xác định ai là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng khu đất trang trại 4506 m2? 21 hộ dân đã chuyển nhượng đất 5% cho 16 hộ dân, đã nhận tiền rồi thì không được hưởng tiền hỗ trợ, đền bù nữa.

Tuy nhiên, UBND quận Hoàng Mai vẫn xác định 21 hộ dân đang là người quản lý, sử dụng khu đất trang trại 4506m2 để chi trả tiền hỗ trợ, đền bù là không chính xác. Ở đây, cần phải xác định 16 hộ dân đang là người quản lý, sử dụng khu đất trang trại 4506m2 và theo các quy định pháp luật, họ có đủ điều kiện để được đền bù, hỗ trợ về đất chứ không phải chỉ được hỗ trợ về di chuyển nhà xưởng, hoa màu như UBND quận Hoàng Mai đã xác định.

Bên cạnh đó, có môt chi tiết cần chú ý là kể từ khi có phương án hỗ trợ, bồi thường, 16 hộ dân đã liên tục làm đơn đề nghị, khiếu nại, cung cấp hợp đồng chuyển nhượng khu đất, 21 hộ dân cũng có đơn xác nhận đã nhận tiền chuyển nhượng khu đất, không lấy tiền hỗ trợ, đền bù nữa. Tuy nhiên, UBND quận Hoàng Mai và phường Trần Phú lại bỏ qua điều này, tìm mọi cách để thúc giục 21 hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ khu đất.

Được biết, 16 hộ dân đã liên tục làm đơn khiếu nại về phương án hỗ trợ, đền bù khi tiến hành GPMB khu đất trang trại trên, gần đây nhất là khiếu nại về quyết định cưỡng chế khu đất, thậm chí khởi kiện UBND quận ra tòa. Tuy nhiên, theo 16 hộ dân phản ánh, họ không được giải quyết, trả lời khiếu nại. Như vậy, các cơ quan chức năng ở quận Hoàng Mai chưa giải quyết khiếu mà đã tiến hành cưỡng chế là chưa đúng quy định pháp luật.

Vì các lý do trên, thay vì kiên quyết cưỡng chế vào ngày 9/1 tới đây, UBND quận Hoàng Mai cần giải quyết đơn khiếu nại của người dân, tiếp tục trao đổi với 16 hộ dân để tìm ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý.

Nghi vấn về tiêu cực hàng nghìn tỷ đồng?

Bên cạnh những thắc mắc khiếu nại về việc thu hồi khu đất trang trại 4506m2 nêu trên, nhiều hộ dân ở phường Trần Phú cũng đang khiếu nại về phương án đền bù khi thu hồi đất phục vụ Dự án khu đối ứng C2 nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.

Ông Lương Văn Thành (số 26, ngõ 88 đường Khuyến Lương, phường Trần Phú, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: “Theo đại diện chủ đầu tư Dự án khu đối ứng C2 nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Cty Gamuda), Cty này đã chi trả cho UBND quận Hoàng Mai mức bồi thường là 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi về đến Quận, Ban GPMB chỉ trả cho người dân 252 nghìn đồng/m2 và khống chế diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở (2,7 triệu đồng) là không quá 450m2/hộ. Trong khi đó, đa số các hộ dân đều đã tách hộ, có nhiều nhân khẩu nhưng chỉ được tính gọn trong một hộ”. Chính vì vậy, người dân cho rằng đã có hàng nghìn tỷ đồng tiền bồi thường được công ty Gamuda chi trả bị thất thoát và đề nghị được làm rõ vấn đề này. Cũng tại buổi làm việc với PV, hầu hết các hộ dân đều có chung thắc mắc này, đồng thời cũng cho rằng: “Sở dĩ UBND quận Hoàng Mai tìm mọi cách trả tiền bồi thường về đất cho 21 hộ dẫn đã chuyển nhượng đất 5% cho 16 hộ dân là để “găm lại” số tiền chênh lệch nhiều tỷ đồng?”.

Trong sự việc trên, nhiều người dân vẫn cảm thấy khó hiểu và cần một câu trả lời xác đáng từ phía Q.Hoàng Mai và P.Trần Phú về cách chi trả tiền đền bù cho các hộ dân. Còn nhiều vấn đề khuất tất trong chuyện “ép” người dân nhận tiền hỗ trợ, cùng nhiều vấn đề không minh bạch trong tài chính khác khiến người dân bức xúc, đội đơn đi kêu cứu ở khắp nơi. Đây là vấn đề rất lớn, đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội vào cuộc điều tra để làm rõ sự việc.

Không được trả lời khiếu nại một Việt kiều viết đơn kêu cứu Thủ tướng

Cùng với 15 người khác, bà Trần Mỹ Hạnh, sinh năm 1962, Việt kiều Mỹ góp vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào xây dựng trang trại 4506m2 tại xứ đồng Cát Thượng, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, khi bị thu hồi đất, họ chỉ được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng không được trả lời và nhận được thông báo cưỡng chế khu trang trại trên, bà Hạnh đã khởi kiện BND quận Hoàng Mai ra TAND TP. Hà Nội đồng thời viết đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ bà Trần Mỹ Hạnh viết: “Sở dĩ, tôi tiếp tục viết đơn kêu cứu lần 2 gửi Thủ tướng là bởi tôi đã quá tuyệt vọng, đơn khiếu nại, kêu cứu của tôi gửi các cơ quan của thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai đều rơi vào im lặng, không hề được trả lời. Tôi cũng rất hy vọng Thủ tướng sẽ quan tâm đến vụ việc của chúng tôi giống như đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đến vụ Tiên Lãng (Hải Phòng…

Kính thưa Thủ tướng!

Trong suốt 5 năm kể từ lúc xây dựng đến lúc nhận được quyết định thu hồi đất, trang trại của chúng tôi tồn tại một cách bình thường, chúng tôi không nhận được bất cứ quyết định xử phạt, cưỡng chế nào. Nói đúng hơn, chính quyền phường Trần Phú, quận Hoàng Mai đã biết đến sự tồn tại của trang trại này và họ đã đồng ý cho tồn tại, nếu họ không đồng ý thì thử hỏi với diện tích 4506m2 và hàng chục nhà xưởng, hàng nghìn cây lâu năm, nằm sát mặt đường như vậy chính quyền phường Trần Phú và quận Hoàng Mai có để yên cho trang trai này tồn tại suốt 5 năm???...

Thưa Thủ tướng!

Vậy là, từ chỗ bỏ ra hơn 10 tỷ đồng mua đất, xây dựng trang trại chúng tôi thành người mất trắng. Trong số tiền này, có một phần tôi đã huy động anh em, bạn bè ở Mỹ. Bây giờ họ hỏi tiền đầu tư về Việt Nam thế nào rồi tôi biết trả lời ra sao? Rồi đây, liệu anh em, bạn bè tôi còn dám tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nữa hay không?

Qua Luật sư và nghiên cứu các văn bản pháp luật, tôi thấy rằng: Không có quy định nào nói rằng chúng tôi không được hưởng chính sách đền bù, hỗ trợ về đất khi nhà nước thu hồi đất. Bởi vì, chúng tôi đang là những người trực tiếp quản lý, sử dụng 4506m2 trang trại với hàng nghìn cây cối, hàng chục nhà xưởng và nhiều công nhân. Vậy mà không hiểu vì lý do gì UBND quận Hoàng Mai cố tình bỏ qua điều này?…

Thưa Thủ tướng!

Dù bận rất nhiều việc bên Mỹ, dù số tiền đầu tư vào khu đất trang trại tại phường Trần Phú không quá lớn nhưng tôi vẫn quyết định bay về Việt Nam đúng dịp lễ Noel. Tôi đã tiếp tục làm đơn khiếu nại, đề nghị gửi UBND quận Hoàng Mai và thành phố Hà Nội nhưng đều không được trả lời.

Đến ngày 17/12/2012, chúng tôi nhận được quyết đinh cưỡng chế khu trang trại nêu trên. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải kêu cứu các cơ quan báo chí. Một người trong số chúng tôi do quá bức xúc đã định treo cổ tự tử tại khu đất, rất may được mọi người can ngăn kịp thời.

Sau khi báo chí vào cuộc điều tra và đăng tải, UBND quận Hoàng Mai đã hoãn ngày cưỡng chế đến ngày 9/1/2013. Bản thân tôi đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ra Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội và toà án đã nhận đơn của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào sự sáng suốt, công minh, quan tâm đến công dân của Thủ tướng, đặc biệt là đối với một Việt kiều Mỹ đã đầu tư về Việt Nam đang phải chịu rủi ro, thiệt thòi do sự tắc trách của UBND quận Hoàng Mai.

Kính thưa Thủ tướng!

Sở dĩ tôi liên tục viết đơn kêu cứu Thủ tướng là vì tôi mong mỏi các quy định pháp luật về bồi thường, GPMB được UBND quận Hoàng Mai thực thi đúng pháp luật. Chỉ có vậy, tôi mới có thể giữ được uy tín, mới có thể tiếp tục huy động được bạn bè, người thân ở nước ngoài đầu tư về Việt Nam…”

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Mỹ Hạnh cho biết sở dĩ bà phải viết đơn kêu cứu Thủ tướng là bởi bà và 15 người đang quản lý, sử dụng trang trại 4506m2 nêu trên đã gửi rất nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng ở Hà Nội nhưng không nhận được sự phản hồi. Thay vào đó, UBND quận Hoàng Mai vẫn kiên quyết tiến hành việc cưỡng chế. “Đối với tôi, số tiền đầu tư vào dự án này không phải quá lớn nhưng đó là danh dự, uy tín của tôi. Mong muốn duy nhất của tôi bây giờ là được UBND quận Hoàng Mai trả lời khiếu nại, đền bù, hỗ trợ đúng quy định pháp luật khi thu hồi 4506m2 đất trang trại của chúng tôi” – bà Hạnh cho biết.

Theo Minh Nhật - Thành Vĩnh (NB&CL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.