Nếu không được tổ chức và quản lý tốt, rất nhiều khu đô thị mới hiện nay sẽ trở thành những “Nguyễn Công Trứ”, “Kim Liên” trong tương lai gần.

The Manor là một trong số ít khu đô thị của Hà Nội có đầu tư khu hoạt động thể chất hiện đại (gồm phòng tập và bể bơi) để phục vụ cư dân - Ảnh: Ngọc Thắng
Nếu không được tổ chức và quản lý tốt, rất nhiều khu đô thị mới hiện nay sẽ trở thành những “Nguyễn Công Trứ”, “Kim Liên” trong tương lai gần.


Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cảnh báo: thay vì phải tạo ra một không gian sống hiện đại và tiện ích cho người dân, nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội hiện thiếu đồng bộ. Đa số đó chỉ đạt yêu cầu là khu ở, không phải khu đô thị.

“Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và cả người dân”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng: “Rõ ràng đã có sự không đồng bộ về chính sách, cũng không đồng bộ về quá trình kiểm tra sau khi cấp phép. Tuy quy định là đô thị mới phải có các công trình công cộng và dịch vụ công nhưng trong quá trình xem xét cấp phép dự án lại không nêu rõ nguồn vốn lấy từ đâu, ai đứng ra thực hiện”.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lý giải: trong Luật Quy hoạch và Nghị định 37 của Chính phủ về lập và thẩm tra các dự án đều khẳng định vai trò giám sát của cộng đồng nhưng hiện nay người dân đang thiếu thông tin về dự án, chưa thực sự tham gia vào quá trình giám sát việc triển khai dự án, trên thực tế, đặc biệt là dự án đô thị mới. Trong khi chủ đầu tư thì chỉ muốn xây nhà nhanh để bán mà ít quan tâm đến bảo đảm không gian sống cho cư dân.

Ông Hùng khuyến cáo: người dân cần đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với khu đô thị nơi mà mình lựa chọn để sống, buộc các chủ đầu tư phải tăng tính cạnh tranh thông qua chất lượng của công trình, sự đồng bộ, hiện đại và tiện ích của khu đô thị.

Theo ông Nghiêm, bên cạnh việc phải miễn cưỡng thích nghi với nơi sống thiếu thốn những công trình dân sinh, cư dân tại một số khu đô thị mới đang phải gánh thêm những nỗi khổ do chính cách thức quản lý vận hành của các Ban quản lý khu đô thị gây ra. Đa số các Ban quản lý được lập ra nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên èo uột, hình thức và không hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, nếu không kiên quyết thực hiện dịch vụ công về công tác quản lý các khu đô thị một cách bài bản, chặt chẽ thì các khu đô thị mới hiện nay sẽ nhanh chóng xuống cấp và trở thành vô chủ.

“Tình trạng cơi nới đang diễn ra phổ biến. Vườn hoa, cây cảnh, hệ thống cứu hỏa... chưa được chăm lo chu đáo. Sự nhếch nhác rồi sẽ nhanh chóng xuất hiện”, ông Hùng nói.

Theo ông Nghiêm, mô hình quản lý và vận hành các khu đô thị mới hiện đang tồn tại nhiều mâu thuẫn mà hạn chế lớn nhất chính là đặt nặng vai trò của nhà đầu tư, trong khi người dân tham gia chỉ là thứ yếu.

Có hiện tượng ở một số khu chung cư, khu đô thị mới, người dân chỉ biết khiếu nại, kiện tụng, đòi hỏi chủ đầu tư mà không hề nghĩ rằng mình cũng phải là chủ thể để đóng góp, tổ chức khai thác một cách linh hoạt và hiệu quả khu ở của mình.

Ông Nghiêm đề nghị, cần đa dạng hóa mô hình Ban quản lý khu đô thị và nâng cao vai trò, tiếng nói của người dân trong các tổ chức này.

“Nên thành lập một Ban quản lý do những cư dân ở đây bầu ra, trong đó có sự tham gia của chủ đầu nhưng người dân mới là người điều hành, đảm bảo khai thác đúng chức năng, khai thác có hiệu quả công năng của khu đô thị và duy trì không gian sống phù hợp cho các hộ dân”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, các cư dân trong khu đô thị phải nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ không gian công cộng, cơ sở hạ tầng của cả khu chứ không chỉ chăm lo riêng cho căn hộ của mình.

Cafeland - Theo Thanh Niên

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland