Sau khi DĐDN đăng bài: “Cảng quốc tế Thị Vải: 14 năm trên giấy” trên số 55 ra ngày 13/7/2011, BBT tiếp tục nhận được các bài viết về những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD đã được cấp phép từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn án binh bất động...

Những dự án “tỉ đô” bất động

Bảng quy hoạch chi tiết DA Atlantis sau nhiều năm dựng lên nay đã bị cây cối mọc cao che khuất gần hết


Tại những cuộc họp của tổ hỗ trợ DN ngoài hàng rào KCN của tỉnh nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư trên địa bàn từ hơn 2 năm qua, liên tục xuất hiện tên của các dự án FDI như: Skybridge Dragon Sea, Saigon Atlantis Hotel, Công viên thế giới kỳ diệu... Hầu hết các DA chưa bước qua khâu đền bù giải phóng mặt bằng.


Mòn mỏi chờ đất sạch


Điển hình như DA Saigon Atlantis Hotel tại phường 11, 12, TP Vũng Tàu của Cty TNHH Winvest Investmen VN, tổng vốn đầu tư 4,1 tỉ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, tháng 8/2009 được phê duyệt bản vẽ thiết kế tỉ lệ 1/500. Tính đến nay, chủ đầu tư đã chuyển 98 tỉ đồng, tương đương hơn 6 triệu USD tiền tạm ứng trước tiền thuê đất vào tài khoản của tỉnh để thuận lợi cho tỉnh trong việc giải quyết kinh phí đền bù giải tỏa. Tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư mới chỉ nhận được quyết định của UBND tỉnh cho thuê gần 87 ha đất/tổng số 307 ha toàn dự án. Trong đó vẫn còn cột mốc ký hiệu đất quốc phòng vì thế Winvest Investmen VN đang đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ, điều chuyển. Phần diện tích còn lại hiện vẫn chưa được tính giá để Winvest Investmen VN nộp tiếp tiền tạm ứng và nhận đất, dù họ đã chuẩn bị sẵn trên 20 triệu USD tại Bank of America.


Bi đát hơn, DA Câu lạc bộ Đại Phú Hào do Cty TNHH Đại Phú Hào làm chủ đầu tư có kế hoạch nhận đủ mặt bằng để rà phá bom mìn và thiết kế xây dựng sau khoảng 2 - 3 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư, khoảng giữa năm 2010 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa bước ra khỏi “giấy”. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban quản lý dự án, có 5 hộ dân không đồng ý về giá bồi thường nên không chịu cho kiểm kê đất. Tệ hơn, diện tích đất do Cty CP phát triển công viên cây xanh và đô thị quản lý, đang bị 58 hộ bao chiếm tới 5.000 m2 dựng nhà tạm để ở. Phần đất do Trung tâm Quỹ đất quản lý thì 11 hộ dân khiếu kiện từ nguồn gốc đất dự án Minh Phụng trong nhiều năm qua. Chủ đầu tư vẫn chưa có đất sạch để khởi động DA.


Dài ngày hơn là DA Công viên thế giới kỳ diệu, của Cty TNHH Good Choice, quy mô 133 ha, vốn đăng ký gần 1,3 tỉ USD, tại khu vực Bàu Trũng (TP Vũng Tàu) được chủ trương đầu tư từ hơn 10 năm qua nhưng giờ này cũng chưa có động thái gì. Hiện dự án này không những không giải phóng được mặt bằng mà trái lại, diện tích đất trong DA đang bị mất dần ngày càng nhiều do tốc độ xây dựng trái phép ở đây trong 3 năm nay diễn ra như vũ bão, không ngăn chặn nổi.


Dự án Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế Skybridge Dragon Sea (phường 11, TP Vũng Tàu), vốn đầu tư hơn 900 triệu USD; khu du lịch biển Xanh; Trung tâm thương mại Thái Dương... cũng đang mòn mỏi chờ đất sạch.


Thiệt đơn thiệt kép


Theo quy định, thời điểm tính tiền thuê đất đối với nhà đầu tư được xác định từ lúc bàn giao mặt bằng. Nhưng do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hầu hết các dự án kéo dài từ năm này đến năm khác, trong khi giá thuê đất lại điều chỉnh hàng năm nên việc được bàn giao mặt bằng chậm đã làm nhà đầu tư phải gánh chịu mức giá đất đội lên cao hơn so với thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.


Đơn cử như dự án Saigon Atlantis Hotel, giá thuê đất năm 2007 so với thời điểm hiện tại chênh nhau 440%. Chủ đầu tư dự án này đang đề nghị tỉnh tính toán lại mức giá cho thuê đất để hạn chế thiệt hại bởi thực tế nhiều chủ đầu tư rất quyết tâm triển khai DA và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của tỉnh về việc ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng, trừ dần vào tiền thuê đất. Cụ thể, từ năm 2007 chủ đầu tư khu du lịch biển Xanh, đã nộp tiền ứng trước vào ngân sách tỉnh 16 tỉ đồng (tương đương 1 triệu USD); Cũng từ năm 2007, chủ đầu tư dự án Saigon Atlantis Hotel cũng đã chuyển 3 tỉ đồng vào ngân sách tỉnh, 2 đợt tiếp theo thêm 95 tỉ, tổng cộng là 98 tỉ đồng (tương đương 6 triệu USD); Cty TNHH OSC - Duxton chủ đầu tư Dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại kết hợp văn phòng cao cấp cho thuê tại Bãi Trước cũng đã chuyển vào ngân sách nhà nước 3,6 triệu USD... Việc đền bù giải phóng mặt bằng khong xong nên các chủ đầu tư “thiệt đơn thiệt kép”: Vừa không thể triển khai được dự án, vừa chôn vốn vào khoản tiền ứng trước cho Nhà nước, lại phải chịu mức giá thuê đất tăng lên hàng năm.


Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc với ba nhà đầu tư lớn là: Cty TNHH Câu lạc bộ Đại Phú Hào, Cty TNHH Winvest Investment và Cty TNHH OSC- Duxton, ông Hồ Văn Niên - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ các dự án ngoài hàng rào khu công nghiệp cho biết: Quan điểm nhất quán của tỉnh là các dự án này đều là những dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lớn, do vậy tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai hoàn thành sớm, và yêu cầu các sở, ngành tìm hiểu những khó khăn của các DN để kịp thời có hướng xử lý. Ngược lại, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần thể hiện thiện chí đầu tư, quyết tâm thực hiện dự án.


Về phía Sở Tài chính, bà Bùi Thị Dung - Phó Giám đốc sở cho biết: Tại một số dự án, tỉnh nhận thấy được sự thiệt thòi rất lớn của nhà đầu tư nên đã có báo cáo với Bộ Tài chính để xin điều chỉnh các quy định về việc áp dụng giá thuê đất nhằm tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.
Theo Trung Huỳnh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.