Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Tập đoàn Berjaya đã triển khai nhiều dự án (DA) hàng tỷ USD. Trong đó, có 2 DA tại TPHCM là Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) và Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT), với tổng vốn đăng ký lên đến 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, 2 DA này vẫn nằm trên giấy, trong khi chủ đầu tư (CĐT) có dấu hiệu đuối sức.

Viễn cảnh 2 dự án tỷ đô

DA VFC do Công ty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya) làm CĐT được cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư tháng 2-2008, với tổng vốn gần 1 tỷ USD. Khu đất rộng hơn 8,1ha là “đất vàng” nằm giữa 3 trục đường Cao Thắng (nối dài), đường 3 Tháng 2 và Lê Hồng Phong.

Theo dự kiến, nếu bồi thường giải phóng mặt bằng xong sẽ tiến hành khởi công DA trong năm 2010. Theo quy hoạch được duyệt, VFC gồm 3 khu chức năng: Trung tâm Tài chính, khách sạn Kỳ Hòa mới cao 30 tầng, công viên và hồ nước.

Trong đó, khu Trung tâm Tài chính gồm 5 khối tháp cao 44-48 tầng và nối liền nhau là phần đế cao 6 tầng. Ngoài ra, nơi đây sẽ xây dựng 3 quảng trường lớn: quảng trường trung tâm từ Đại lộ VFC vào, quảng trường phía đường Lê Hồng Phong và quảng trường phía đường Cao Thắng.

Giữa năm 2008, UBND TPHCM tiếp tục trao GCN đầu tư DA VIUT cho Công ty Berjaya Land Berhad. DA có tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, tọa lạc trên khu đất rộng 925ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thuộc Khu đô thị Tây Bắc. Berjaya Việt Nam cho biết dành trên 100ha phát triển VIUT thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.

Ngoài các trường đại học, khu đô thị này quy hoạch thêm gần 20 trường học ở bậc đào tạo mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Phần diện tích đất còn lại, khu đô thị phức hợp bao gồm khu thương mại, khu dân cư (bao gồm chung cư mặt tiền sông, nhà vườn, căn hộ mặt tiền kênh và nhà gần công viên); trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học; câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, công viên xây xanh.

“Lún” tiến độ

Có thể nói, 2 DA trên đã mang lại niềm tự hào cho TPHCM trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Lẽ ra sau hơn 4 năm cấp phép, với năng lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín, Berjaya đã có thể đưa công trình vào khai thác ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay DA VFC chưa có gì ngoài bãi đất trống.

Và VFC bị đưa vào danh sách những DA “thiếu khả thi” và có nguy cơ bị khai tử. Đầu năm 2012, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã “nhắc nhở” CĐT Berjaya Land Berhard nếu tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết, TP sẽ xem xét thu hồi GCN đầu tư.

Trước thái độ cứng rắn của người đứng đầu TP, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Land Berhad, phân trần do phải điều chỉnh đồ án quy hoạch 1/500 đến 14 lần nên chưa thể khởi công như đã cam kết?

Cây cỏ rậm rạp hơn sau 4 năm Berjaya thực hiện siêu dự án VIUT 3,5 tỷ USD
tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: M.Tuấn

Với DA VIUT, tính tại thời điểm DA cấp phép, có thể nói đây là DA FDI lớn nhất, góp phần nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP trong 6 tháng đầu năm 2008 lên 7,1 tỷ USD (bằng tổng vốn FDIù trong 3 năm 2005, 2006 và 2007 tại TPHCM). VIUT được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển nền giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và khu vực phía Nam.

DA được chia thành 8 giai đoạn trong khoảng thời gian 8-10 năm, trong đó quy mô 55ha giai đoạn 1 sẽ được triển khai xây dựng trong 3 năm. Giai đoạn này theo CĐT sẽ xây dựng 2.000 căn hộ, 255 căn nhà liên kế. Ngoài ra, CĐT sẽ tận dụng sông rạch tại Khu đô thị Tây Bắc để phát triển khu nhà ở ven sông, tạo ra chỗ ở cho 75.000 người khi DA hoàn thành.

Thế nhưng suốt 4 năm qua, chưa có một căn hộ, nhà vườn, biệt thự và công trình tái định cư nào được xây dựng. Quy hoạch “treo” này đang khiến 716 hộ thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ DA bị ảnh hưởng. Theo giải trình của Berjaya Land Berhard, DA chậm tiến độ chủ yếu do “ách tắc” trong khâu thủ tục hành chính.

Lúc mới vào thị trường Việt Nam, Berjaya được đánh giá là NĐT có năng lực tài chính dồi dào khi đăng ký nhiều DA lớn. Cùng với 2 siêu DA trên tại TPHCM, Berjaya còn mua 70% cổ phần khách sạn Sheraton và 75% cổ phần khách sạn InterContinental (Hà Nội), 70% cổ phần Khu nghỉ dưỡng Long Beach (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Thế nhưng để có tiền đầu tư vào Việt Nam, Berjaya tiết lộ đã bán một trung tâm thương mại sầm uất tại Malaysia. Do đó, suy luận Berjaya thiếu tiền khiến VFC và VIUT chậm tiến độ chưa hẳn chính xác. Dù vậy, việc đầu tư dàn trải, lấy ngắn nuôi dài của Berjaya khi đầu tư hàng loạt DA tại Việt Nam khiến nguồn tài chính khó cân đối khi thị trường không thuận lợi.

Và thị trường BĐS đóng băng, đầu ra các dự án Berjaya bế tắc, xây dựng ra không bán được đã khiến NĐT này vỡ kế hoạch. Chưa phải tháo chạy, nhưng những lời hứa suông và động thái của Berjaya thời gian gần đây, cho thấy những DA tỷ đô của NĐT này vẫn chỉ là những câu chữ trên giấy.

  • Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 3): Booyoung Vina - 6 năm vẫn để hoang

    Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 3): Booyoung Vina - 6 năm vẫn để hoang

    Hà Đông (Hà Nội) có thể coi là “thủ phủ” của những dự án chậm tiến độ, bao gồm cả những dự án FDI đình đám. Trong số đó, Booyoung Vina của chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc là dự án bị “điểm danh” thường xuyên nhất. Từ một dự án hơn trăm triệu USD, qua 6 năm, mảnh “đất vàng” này vẫn hoàn toàn là một bãi hoang.

  • Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 2): Gamuda City - Thành phố của… những câu hỏi

    Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 2): Gamuda City - Thành phố của… những câu hỏi

    Được cấp phép từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) được xem là một trong những dự án đình đám nhất thời điểm đó. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, toàn bộ khu đất dùng để xây khu đô thị vẫn là một bãi đất hoang.

  • Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 1):  ParkCity - Siêu dự án sa lầy

    Những dự án FDI “hết mỡ” (kỳ 1): ParkCity - Siêu dự án sa lầy

    Không chỉ dự án của các nhà đầu tư trong nước chết chìm do thị trường khó khăn, hàng loạt dự án BĐS nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từng làm mưa làm gió cũng lâm vào tình cảnh “đắp chiếu”. Nhiều chuyên gia nhận định, với phương thức đầu tư “lấy mỡ nó rán nó”, một khi “mỡ” đã hết, việc các dự án FDI xuống dốc không phanh là điều dễ hiểu.

Theo Thanh Vy (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.