Thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, tính đến thời điểm này, tuyến ven biển Điện Bàn đến huyện Núi Thành có đến 44 dự án. Trong đó, có 11 dự án còn vướng mặt bằng tái định cư cho dân. Không chỉ có các tiểu dự án của dự án sắp xếp dân cư ven biển bị "treo” mà nhiều dự án du lịch khủng khác được phê duyệt đầu tư hàng triệu đô trải dọc tuyến ven biển tỉnh Quảng Nam cũng đang ì ạch hay "đứng bánh”, hay thậm chí chỉ có trên giấy tờ.
Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch phát triển du lịch biển
Những dự án… khủng
Nói về các dự án du lịch cao cấp thì trước đây, tỉnh Quảng Nam ưu tiên dành vùng đất ven biển cho phát triển loại dự án này. Theo đó từ huyện Điện Bàn đến huyện Núi Thành có hơn 40 dự án du lịch thì đã có 23 dự án đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế và vướng giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở nặng nề cũng khiến nhà đầu tư phải cân nhắc lại. Trong số đó, phải kể đến dự án khu du lịch cao cấp thuộc hạng khủng của nhà đầu tư DACOTEX Hải Âu Xanh. Vào năm 2006, sau khi được cấp phép đầu tư, DACOTEX Hải Âu Xanh đã cho khởi động dự án hơn 187.000m2 đất để xây dựng khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng, may xuất khẩu,… tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành với tổng kinh phí 30 triệu USD chia làm nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, dự án chỉ được nhà đầu tư cho xây dựng bờ tường bao bọc xung quanh và vài ngôi nhà rồi bỏ hoang gần 10 năm, hậu quả các hạng mục bị đập phá không thương tiếc. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải thu hồi dự án.
Không chỉ có dự án khởi công rầm rộ rồi "đứng bánh” mà nhiều dự án công bố quy hoạch với diện tích khủng, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân nhưng vẫn còn nằm trên giấy. Chẳng hạn, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được phê duyệt ban đầu rộng 1.500ha do Tập đoàn VinaCapital làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Nam Hội An do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco 5 làm chủ đầu tư rộng khoảng 650ha đến nay chưa hề triển khai. Tương tự, dự án khu du lịch cao cấp ở sát bờ biển xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) hàng chục nghìn mét vuông đất được khởi công xây dựng được vài năm rồi sau đó cũng bỏ hoang, hư hỏng nặng nề hay ì ạch kếu rê.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam, cái khó của việc chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư đối với các trường hợp vi phạm là nhà đầu tư cũ bất hợp tác trong xử lý tài sản trên đất, dẫn đến rắc rối trong giải quyết tranh chấp. Còn người dân nằm trong vùng dự án treo thì luôn bức xúc vì cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa Nguyễn Tấn Nam cho rằng, quy hoạch treo kéo dài nhiều năm đã làm người dân rất thiệt thòi.
Phá vỡ bức tường chắn sóng ven biển
Có một thực tế là từ trước tới nay, dọc bờ biển từ Hội An đến Núi Thành, đã từng quy hoạch trồng rừng phòng hộ chắn sóng gió. Thế nhưng, sự có mặt của các dự án mang tên du lịch đã loại bỏ nhiều diện tích đất với chức năng trồng rừng. Mặt khác, những nhà làm quy hoạch cũng chưa khoanh vùng sản xuất, phát triển và nuôi trồng thủy sản ven biển, vốn là một trong những thế mạnh của kinh tế biển, dẫn đến hệ lụy người dân lén lút tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan.
Hiện nay, nếu đi dọc vùng cát trắng từ các xã Bình Dương, Bình Hải (huyện Thăng Bình) đến các xã Tam Hòa, Tam Tiến của huyện Núi Thành sẽ thấy chằng chịt các ao nuôi tôm lót bạt, hậu quả là lượng nước thải rất lớn từ ao nuôi đổ ra sông, ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ dải ven biển có "bức tường” rừng phòng hộ che chắn trước đây, đến nay đã san ủi bằng phẳng. Hậu quả trước mắt là mỗi năm nạn xâm thực biển đã lấn sâu hơn vào đất liền, mức độ tàn phá làng mạc, công trình xây dựng càng dữ dằn hơn.
Thực tế đang diễn ra có thể thấy đây cũng là điểm yếu của lãnh đạo địa phương trong tầm nhìn chiến lược khi quy hoạch phát triển kinh tế vùng, đồng thời cũng là bài học sâu sắc khi chọn mặt gửi vàng vào nhà đầu tư. Còn với người dân địa phương khi nhận một khoản tiền đền bù thì đồng nghĩa với việc mất đất, mất nhà lại thiếu kế mưu sinh khi chưa được đào tạo chuyển đổi nghề. Còn với những người dân mới nhận một phần tiền đền bù để rồi đi không được, ở cũng không yên thành ra những dự án treo- những dự án hành dân.
T.Thành - N.Sơn (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.