Nhiều căn biệt thự có giá triệu "đô" tại Hà Nội hiện bị bỏ hoang hoặc được chủ đầu tư cho thuê với giá rẻ...

Công trường vắng bóng công nhân

Tọa lạc tại số 288, đường Phạm Văn Đồng, đối diện siêu thị Metro (huyện Từ Liêm), dự án Habico Tower 36 tầng khởi công vào 3/2008 với số vốn đầu tư "khủng" 220 triệu USD. Siêu dự án này hứa hẹn là chung cư giá "khủng" nhất Hà Nội, vượt qua cả Keangnam. Ở thời điểm chào bán, căn hộ rẻ nhất của tòa tháp này có giá lên đến 21 tỉ đồng, căn hộ cao nhất 85 tỉ đồng. Dù mặt bằng chung cư thời điểm đấy khá cao nhưng với mức giá này, giới bất động sản cả nước không khỏi "choáng váng". Theo chủ đầu tư, tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh của CHLB Đức, Nhật, Hàn Quốc. Cùng với đó là những thiết bị xa xỉ chưa từng có ở trong nước như hệ thống sưởi sàn nhà, bồn tắm bằng gỗ Hinoki của Nhật, sơn tường sản sinh ion tốt cho sức khỏe, có phòng Panic room chức năng bảo vệ, chống cháy, ngăn khói, bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn... Gần ba năm trôi qua, so với dự kiến hoàn thành, Habico Tower chỉ xây đến tầng 9 và từ đó rơi vào cảnh ngừng thi công kéo dài.

Nằm đối diện Habico Tower, dự án "Thành phố giao lưu" với hàng trăm biệt thự đã xây xong phần thô nhưng không bán được. Theo một nhân viên bảo vệ dự án này, khu biệt thự đã xây xong hai năm nay nhưng không có người mua.

Ngừng thi công nhiều công trình gây lãng phí

Khu vực quận Hà Đông tập trung khá nhiều dự án trong tình trạng đói vốn, nhiều dự án đình đám cũng phải "phơi sương" hoặc chỉ thi công cầm chừng. Trong khi nhiều dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đã bắt đầu khởi động trở lại sau một thời gian dài im ắng, thì siêu dự án Booyoung Vina nằm ở "vị trí vàng" thuộc khu giãn dân phường Mộ Lao (quận Hà Đông) vẫn án binh bất động. Thời điểm tham gia thị trường, dự án được đánh giá rất cao bởi chủ đầu tư là một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Thời hạn giao nhà dự kiến vào năm 2010, nhưng đến nay, toàn bộ đất dự án quây tôn kín mít, hoang tàn không một bóng công nhân.

Dự án CT37 Bắc Hà nằm trên trục đường Lê Văn Lương (kéo dài) cũng chỉ thi công xong phần móng rồi nằm "phơi sương", duy nhất trên công trường có hai nhân viên bảo vệ. Cách đó không xa, khu nhà ở Trung Văn (huyện Từ Liêm) cũng rơi vào tình trạng ngừng thi công. Chủ một ngôi biệt thự tại đây ngao ngán cho biết: "Biệt thự có khoảng gần 100 căn, số nhà liền kề cũng chừng đó, nhưng người đến ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mấy tòa nhà chung cư thì "chết" hẳn, hai nhà xây xong phần thô không thể hoàn thiện, một tòa kế bên đang thi công móng thì "chết".

Bên cạnh đó, còn rất nhiều dự án "bất động", thi công cầm chừng giữa Thủ đô như Pride, Oriental Garden, HCC1 Building (Lê Văn Lương), City View (Hà Đông), Handico C3 (Nhân Chính), CT3 (Cổ Nhuế), Dragon Palace (Mỹ Đình)...

Biệt thự triệu “đô” thành nơi thu mua đồng nát

Cũng trên địa bàn quận Hà Đông như Văn Khê, Văn Quán, nhiều biệt thự có giá đến cả triệu đô nhưng không có người ở; nhiều căn hộ đã xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm. Đa số chủ nhân của các ngôi biệt thự này mua để dành, không có tiền để hoàn thiện hoặc không có nhu cầu ở thực sự mà đầu cơ nhưng thị trường ế ẩm không thể "lướt" được đành "đắp chiếu".

Trong khi đó, có nhiều biệt thự ở vị trí "hái ra tiền", nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ đặt vấn đề thuê lại với giá rẻ rồi cải tạo qua loa làm quán ăn, rửa xe, thu mua sắt vụn và thậm chí bán trà đá. Để không cũng lãng phí, cho thuê dù rẻ còn hơn để cỏ mọc, nhà không người ở sẽ xuống cấp rất nhanh, vì thế mà nhiều căn biệt thự triệu đô trở thành quán ăn, nơi thu mua đồng nát và làm nơi cho người lao động nghèo ở. Giá thuê những căn biệt thự này cũng chỉ hơn nhà trọ một chút, một căn hơn 100 m2 chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng, căn nào ở vị trí đẹp mới đến 10 triệu đồng…

Khi thị trường bất động sản chưa được cải thiện thì còn nhiều dự án lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", "đắp chiếu, phơi sương" chờ thời cơ tái khởi động dự án.

Có nguy cơ mất thêm tiền lần nữa, nếu...

"Hiện cũng có một số dự án chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, như vậy nhà đầu tư sẽ được Nhà nước hỗ trợ vốn, kích thích người tiêu dùng. Chọn nhà đầu tư nào để rót vốn rất quan trọng, bởi doanh nghiệp nào yếu có rót vốn vào cũng không thể hoàn thành dự án và sẽ càng gây lãng phí cho xã hội, người dân có nguy cơ mất tiền thêm một lần nữa", ông Nguyễn Văn Đực, giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành nói.

Thiên Vũ (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.