Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) vừa có những động thái mới khiến dư luận có dự cảm không lành...

Số dự án tỷ USD bị đổ bể hoặc chậm triển khai lớn hơn nhiều so với những dự án đã và đang triển khai

Một cách vô cùng bất ngờ, sau 5 năm theo đuổi việc xin nâng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD, chủ đầu tư Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) mới đây đã quyết định xin giảm vốn xuống chỉ còn 2 tỷ USD, đồng thời xin phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn.

Từ chuyện Thép Guang Lian xin giảm vốn

Quyết định giảm vốn của chủ đầu tư hiện tại của Dự án (Tập đoàn E-United - Đài Loan) xuất phát từ việc cuối năm ngoái Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố không đeo đuổi dự án này nữa. Vậy là sau hai năm tốn công, phí sức của cả JFE lẫn các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương, Dự án Thép Guang Lian vẫn lỡ dở. Thép Guang Lian chính thức được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên là cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 10% và 90%. Nhưng sau khi khởi công và thực hiện một số hạng mục như đóng cọc xây dựng, ký túc xá cho người lao động thì đến năm 2010, dự án tạm dừng lại để chờ giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lên 4,5 tỷ USD.

Trước việc đất dự án bị bỏ hoang nhiều năm, dư luận Quảng Ngãi đã không khỏi bức xúc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sốt ruột. Mọi chuyện phần nào được giải tỏa khi đầu năm 2012, JFE, tập đoàn thép lớn thứ 6 toàn cầu và thứ hai ở Nhật Bản, quyết định ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án. Nếu quyết định tham gia dự án, JFE gần như sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của E-United. Sự xuất hiện của đại gia Nhật Bản khiến cả cơ quan chức năng, người dân đều kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, sau hai năm nghiên cứu, đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư, xin thêm đất, điều chỉnh quy hoạch cảng chuyên dụng… thậm chí còn tính đến phương án nâng vốn đầu tư của dự án lên 7,5 tỷ USD, JFE bất ngờ rút lui. E-United lại quay về tiếp quản việc nghiên cứu đầu tư dự án và cuối cùng quyết định xin giảm vốn đầu tư dự án xuống còn 2 tỷ USD.

Đến những đổ vỡ tỷ USD

Dự án Thép Guang Lian cho đến nay chưa thể nói là đổ vỡ. Nhưng sự long đong lận đận của dự án này trong gần 10 năm qua khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Và kèm theo đó là dự cảm không lành đối với dự án này, giống như đối với không ít dự án tỷ USD khác.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn 30 dự án FDI quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng số dự án đã đi vào hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài các dự án của Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả cao, còn có thể nhắc tới các Dự án Hồ Tràm Strip (4 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu), Thép China Steel Sumikin (1 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu), hay Intel (1 tỷ USD, TP.HCM), LG (1,5 tỷ USD, Hải Phòng), Nhiệt điện Mông Dương 2 (1,95 tỷ USD, Quảng Ninh) đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, còn có Lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,9 tỷ USD, Thanh Hóa), Liên hợp Thép Formosa (9 tỷ USD, Hà Tĩnh), Lọc hóa dầu Vũng Rô (3,2 tỷ USD, Phú Yên)… đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, nếu kể các dự án đã bị thu hồi hay đang trong diện bị cảnh báo thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư thì danh sách này rất dài. Đó là Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), 9,8 tỷ USD; Bãi biển Rồng (Quảng Nam), 4 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên), 1,68 tỷ USD; Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu), 1,3 tỷ USD... đã bị thu hồi.

Chưa kể, hàng loạt dự án vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, như Nam Hội An (Quảng Nam), 4 tỷ USD; Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (Đồng Nai), 2 tỷ USD; Thép Kobelco (Nghệ An), 1 tỷ USD; Saigon Atlantis Hotel (Bà Rịa - Vũng Tàu), 4,1 tỷ USD; Starbay (Phú Quốc, Kiên Giang), 1,6 tỷ USD; Nhiệt điện Hải Dương (Hải Dương), 2,25 tỷ USD; Bus Centre (Bình Định), 1 tỷ USD… Những dự án này đều đã nhiều lần bị chính quyền địa phương cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, Dự án New City (Phú Yên), vốn đầu tư 4 tỷ USD, cuối cùng năm ngoái cũng đã phải xin điều chỉnh xuống chỉ còn 1 tỷ USD.

Rõ ràng, số dự án tỷ USD bị đổ bể hoặc chậm triển khai đang lớn hơn nhiều so với những dự án đã và đang triển khai, để lại không ít nhức nhối, xót xa.

Và bài học quản lý

Cho tới nay, năm 2008 vẫn là năm kỷ lục trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, với hơn 72 tỷ USD. Đó cũng là năm nhiều dự án tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhất. Nhưng nhìn lại thì nhiều trong số này đã bị thu hồi hoặc chậm triển khai, khiến dư luận bức bối.

Bức bối là phải khi đất đai bị hoang hóa kéo dài, lãng phí tài nguyên quốc gia. Bức bối khi các cơ quan quản lý dường như vẫn đang giơ cao đánh khẽ, bởi chuyện “gia hạn” thu hồi dự án không có gì lạ. Nhiều dự án, như Starbay, Saigon Atlantis, Thành phố mới Nhơn Trạch… đã năm lần bảy lượt bị địa phương “dọa” thu hồi giấy phép và cũng đủ điều kiện để thu hồi nhưng rồi cuối cùng vẫn để đó.

Thấy vậy, dư luận bức xúc là đúng. Nhưng bên trong, cơ quan quản lý cũng có những cái khó của mình. Nhiều dự án quy mô dù nhỏ, nhưng khi bị thu hồi cũng tốn nhiều thời gian để xử lý hậu quả. Ví như dự án Guang Lian, nếu thu hồi, thì hơn 330 ha đất đã giao, hơn 73 triệu USD nhà đầu tư đã đầu tư phải xử lý ra sao? Đó là câu chuyện không đơn giản. Nếu lại có đến hàng chục dự án như thế thì càng thêm khó khăn...

“Nhiều khi cũng phải thông cảm với các chủ đầu tư, họ cũng rất quyết tâm làm, nhưng vì khủng hoảng kinh tế vừa qua mà chưa thu xếp được tài chính”, một vị lãnh đạo địa phương nói. Điều này là đúng! Nhưng GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia kỳ cựu về FDI cũng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, với những dự án chậm triển khai cần phải nhanh chóng thu hồi để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác. Với những dự án đã xác định là không thể triển khai nên được thu hồi sớm, dành đất cho các dự án khác. Và quan trọng hơn, cần thẩm định kỹ ngay từ khi nhà đầu tư đến để đề xuất đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ "xí phần" rồi để đấy nhằm mua bán lòng vòng dự án để kiếm lời.

Đã qua rồi cái thời phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Chủ đề: Đầu tư lãng phí,
Hoàng Phương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.