Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng họp năm trước, nhiều tờ trình xin chủ trương sáp nhập với ngân hàng khác được đưa ra xin ý kiến cổ đông, nhưng đa phần bỏ ngỏ tên ngân hàng sáp nhập. Năm nay thì khác. Rất nhiều ngân hàng đã công khai đối tác muốn trở thành “người thân” trong các tờ trình.

Số lượng ngân hàng sẽ giảm bớt trong năm nay. Ảnh: Lê Toàn.

Và xu hướng ngân hàng nhỏ, yếu được sáp nhập với ngân hàng lớn đang diễn ra. Một lãnh đạo NHNN cho TBKTSG Online biết cơ quan này đang thúc đẩy quá trình này để hoạt động tái cấu trúc được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn. Ông khẳng định sẽ có thêm nhiều thương vụ khác sắp được công bố trong thời gian tới.

Hôm qua, một trong số các tờ trình mà Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) trình đại hội đồng cổ đông vào kỳ họp thường niên 2014 vào ngày 18-4 tới là tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc tìm đối tác để chọn phương án tái cấu trúc và cho là Vietinbank thể hiện thiện chí hợp tác.

Cụ thể là hai bên sẽ thực hiện hoán đổi cổ phiếu và tỷ lệ nắm giữ của Vietinbank tại PGBank vào khoảng 99%. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu nếu cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định thì phải bảo đảm không thấp hơn mức một cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,82 cổ phiếu Vietinbank.

Theo tờ trình này, PGBank vẫn giữ nguyên hình thức tổ chức bộ máy, lĩnh vực hoạt động và thương hiệu PGBank. Như vậy, PGBank sẽ là đơn vị thành viên trực thuộc Vietinbank, theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng.

Đến hiện tại Vietinbank vẫn chưa công bố thông tin về thương vụ này.

Ngoài PGBank xin ý kiến cổ đông về chủ trương sáp nhập, trước đó Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) cũng đã trình đại hội đồng cổ đông chủ trương sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thương vụ này hiện tại vẫn đang tiến hành các thủ tục. Tương tự là thương vụ của Ngân hàng Mê Kông (MDB) xin sáp nhập vào Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng vừa được công bố gần đây.

Theo nguồn tin riêng của TBKTSG Online, NHNN đã chấp thuận chủ trương sáp nhập của Southern Bank vào Sacombank và MDB vào Maritime Bank.

Vị lãnh đạo NHNN nói trên cho biết hiện tại đang khuyến khích các ngân hàng lớn cùng tham gia vào công tác tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, yếu, thay vì NHNN đứng ra mua cổ phần và tự vực dậy các ngân hàng trên. Theo vị này, cách làm này tiết kiệm được chi phí, thời gian và cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều ngân hàng lớn. NHNN hiện đang tạo điều kiện để các ngân hàng nhanh chóng hoàn tất các thủ tục sau khi được cổ đông đồng ý về chủ trương.

Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sau khi đã triển khai đối với 9 đơn vị trong đợt 1. Trong đó sẽ xử lý từ 6-7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, đưa số ngân hàng bị sáp nhập từ trước đến nay lên 7-10 ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu tiến trình tái cơ cấu hệ thống từ cuối 2011 khi sắp xếp lại một số ngân hàng yếu kém. Đến nay, nhiều thương vụ hợp nhất, sáp nhập đã hoàn tất như Tín Nghĩa, Đệ Nhất, hợp nhất cùng SCB. Habubank sáp nhập vào SHB, Western Bank được sáp nhập vào PVFC để lập nên PVCombank.

Thanh Thương (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.